Cụ thể hóa trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần chỉ rõ địa chỉ cơ quan, địa phương nào làm tốt và nơi nào để lãng phí, để từ đó có giải pháp khắc phục, tạo chuyển biến rõ nét trong công thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021.

Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước lãng phí

Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK, CLP năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP; các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19.

Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.

Tuy nhiên, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc ban hành văn bản quy định chi tiết về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực để có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản và trên môi trường mạng còn phức tạp.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TH. 

Bên cạnh đó, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện. Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp…

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, việc chậm ban hành Chương trình tổng thể THTK,CLP của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Chương trình THTK,CLP của các bộ, ngành, địa phương.

Về kết quả THTK, CLP năm 2021, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác THTK,CLP và cho rằng, trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021), ước thu ngân sách trung ương năm 2021 hụt thu khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ báo cáo thu ngân sách trung ương ước tăng 6,7% so với dự toán, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý thu NSNN trong những tháng cuối năm 2021, song điều này cũng thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn.

Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp. Việc chậm phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu; gây lãng phí lớn về nguồn lực NSNN và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022…

Chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân gây lãng phí

Góp ý vào báo cáo, đồng tình với 6 nhóm giải pháp được Chính phủ nêu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm cần được rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành, để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong công tác THTK, CLP đối với từng lĩnh vực, theo từng chỉ tiêu, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát, toàn diện.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, một trong những kết quả nổi bật trong công tác THTK, CLP lần này là tập trung triệt để tiết kiệm những khoản chi, tăng cường huy động tất cả các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “Việc tiết kiệm 76.000 tỷ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác THTK, CLP, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung”.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, việc chưa làm được. Từ đó, chỉ rõ nguyên nhân của từng hạn chế để có giải pháp phù hợp, triệt để.

Đáng chú ý, việc chậm ban hành văn bản quy định về định mức, đơn giá làm gia tăng tình trạng lãng phí trong đầu tư công, thực hiện dịch vụ công; trong đầu tư công, tại sao năm 2020 dịch dã như thế mà giải ngân được 98%, năm 2021 giải ngân được 83%, 3 tháng đầu năm 2022 mới được 11%...

“Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nếu đích danh địa phương, cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cụ thể hoá hơn những giải pháp đẩy mạnh THTK, trong đó nêu kỹ các giải pháp rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hoá; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu; nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất tiết kiệm của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp…/.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
27 người đang online