14/11/2024 | lượt xem: 53 Cơ chế mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh năm 2025 Ngày 12/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3318/UBND-KGVX về việc cơ chế mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh năm 2025. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị y tế công lập xây dựng, tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục thuốc mua sắm tập trung của tỉnh, đảm bảo sát với nhu cầu sử dụng thực tế, đáp ứng yêu cầu về giá cả, chất lượng, hiệu quả điều trị, cung ứng ổn định và khả năng cân đối chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế được phân bổ cho tỉnh, theo nguyên tắc, tiêu chí sau: - Nguyên tắc: Thuốc được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thuốc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023; thuốc không thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không đưa vào Danh mục các thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, thuốc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 70 Luật Dược - Tiêu chí: Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, thuốc được đưa vào Danh mục thuốc mua sắm tập trung của tỉnh phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: + Đối với thuốc Generic: Tiêu chí 1: Thuốc có tối thiểu 02 cơ sở y tế công lập đăng ký sử dụng và tổng giá trị lớn (từ 500 triệu đồng trở lên), có chủng loại tương tự dựa trên dự trù của các đơn vị. Tiêu chí 2: Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc xử trí phản vệ; thuốc gây tê, gây mê; thuốc giãn cơ, giải giãn cơ; thuốc giải độc và các thuốc dùng trong trường hợp ngộ độc; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc chống rối loạn tâm thần cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023. + Đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu: Thuốc có tối thiểu 02 cơ sở y tế công lập đăng ký sử dụng và tổng giá trị lớn (từ 200 triệu đồng trở lên), có chủng loại tương tự dựa trên dự trù của các đơn vị. Trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, tình hình cung ứng, sử dụng và nhu cầu của các đơn vị y tế trong tỉnh, Sở Y tế chủ trì cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc mua sắm tập trung của tỉnh, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước khi tổ chức mua sắm tập trung cho kỳ tiếp theo. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức mua sắm tập trung thuốc thuộc Danh mục thuốc mua sắm tập trung của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng, đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm và các quy định liên quan của Nhà nước. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện xây dựng dự toán kinh phí theo quy định để đảm bảo cho công tác đấu thầu mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giám sát công tác đấu thầu mua sắm tập trung thuốc theo quy định của pháp luật. Các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh: Căn cứ các quy định hiện hành, kết quả lựa chọn nhà thầu, thỏa thuận khung các gói thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương để hoàn thiện, ký kết và thanh quyết toán hợp đồng với các nhà thầu theo quy định đảm bảo giá trúng thầu không cao hơn kết quả lựa chọn nhà thầu đã công bố. Tổ chức đấu thầu, mua sắm các thuốc không thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương; các thuốc không thuộc danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung nhưng không lựa chọn được nhà thầu (sau khi có văn bản thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ đấu thầu tập trung) theo quy định hiện hành, đảm bảo nhu cầu sử dụng tại đơn vị. Nội dung chi tiết tại Công văn số 3318/UBND-KGVX. Duy Tùng
Thực hiện nghiêm công tác lấy ý kiến trong quá trình lập, thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh