Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 -2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên

Ngày 4/9/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-CTUBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 -2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên.

Theo Chỉ thị, nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 ngay từ đầu năm học, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao hiệu quả quản trị trường học: Tập trung rà soát, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo; các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhất là các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện toàn trình theo Quyết định số 2060/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp ở mức độ 4.

- Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hưng Yên và phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, trường phổ thông công lập bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm áp lực cho khu vực công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời,  quản lý tốt chất lượng và hoạt động của các trường ngoài công lập nhằm xây dựng môi trường giáo dục có chất lượng, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.

- Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 22/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục. Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Triển khai hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Chủ động rà soát và phát triển chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp thực tiễn. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá, phân tích nghiêm túc kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 để có giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học.

- Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mần non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2021-2025) và Kế hoạch thực hiện năm 2024.

Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND huyện, thị xã, thành phố: rà soát, bố trí, sắp xếp lớp học, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện kịp thời và đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục; tham mưu tuyển dụng bổ sung giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn Ngoại ngữ và môn Tin học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 08/5/2024 của UBND tỉnh về việc giao, tạm giao số lượng người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2024. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Tham mưu các cấp, ngành liên quan bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 09/9/2022 của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật cấp địa phương áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất, y tế trường học.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

- Tăng cường công tác thi, đánh giá chất lượng; kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục.

- Thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Nội dung chi tiết tại Chỉ thị số 07/CT-CTUBND.

Duy Tùng

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
40 người đang online