Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.

Theo Chỉ thị, sau sắp xếp, đổi mới, đã có một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam..., hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đã tạo việc làm cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm 37%) tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 02 Tổng công ty. Còn một số công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, phải tiếp tục sắp xếp lại; còn nhiều điểm nghẽn tác động tiêu cực tới kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là vấn đề liên quan xử lý đất đai...

Tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023, Quốc hội đã giao nhiệm vụ Chính phủ: “Trong năm 2024, hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp”. Theo chương trình công tác năm 2024 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW, kết quả thực hiện của các bộ, địa phương, các công ty nông, lâm nghiệp là cơ sở thực tiễn phục vụ công tác tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị.

Vì vậy, thời hạn yêu cầu hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp từ nay đến hết năm 2024 là rất khẩn trương, nặng nề. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ theo kết luận của Bộ Chính trị và Quốc hội, góp phần thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, thúc đẩy phát triển các công ty nông, lâm nghiệp, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế và an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

* Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả kết luận của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 12 tháng 5 năm 2024, đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cần ưu tiên, quan tâm xử lý dứt điểm và hoàn thành các nội dung sau:

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị định số 04/2024/NĐ-CP và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP bảo đảm không có khoảng trống pháp lý hướng dẫn chi tiết Nghị định; tổng hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành một số cơ chế có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp như: chính sách đầu tư và phát triển rừng; vướng mắc phát sinh từ giao khoán trước đây dẫn tới chưa có căn cứ xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi người dân được giao khoán với doanh nghiệp, cổ đông trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị để đảm bảo: (1) trước ngày 30 tháng 9 năm 2024, các địa phương hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể (đối với địa phương chưa phê duyệt phương án tổng thể); (2) trước ngày 31 tháng 10 năm 2024, các địa phương hoàn thành lại, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể (đối với các địa phương có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện sắp, đổi mới theo đề án được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh lại để phù hợp với Nghị định số 04/2024/NĐ-CP hoặc thay đổi phương án đã được phê duyệt).

- Kịp thời hoàn thành thẩm định đúng thời hạn theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp theo đề nghị của các địa phương, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao trong năm 2024 tại Nghị quyết số 109/2023/QH15.

- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị định của Chính phủ qua các thời kỳ về giao khoán vườn cây, rừng trồng sản xuất để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đặc biệt là các chế tài liên quan đến thực hiện hợp đồng giao khoán.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, trong đó có phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và của các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, bảo đảm thời hạn hoàn thành theo quy định. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm kê rừng nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng theo chủ quản lý (trong đó có diện tích rừng lớn của các Công ty nông, lâm nghiệp) và hiện trạng.... theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 17 tháng 5 năm 2024.

- Tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sau sắp xếp, đổi mới. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, không để tình hình phức tạp do chậm xử lý dứt điểm hoặc né tránh, đùn đẩy trong xử lý; thu hồi đất sử dụng sai mục đích, vi phạm, sử dụng không hiệu quả để đưa vào quản lý, sử dụng đúng pháp luật, hiệu quả.

- Xây dựng hoặc điều chỉnh phương án sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời hạn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 9 năm 2024 (đối với địa phương chưa phê duyệt phương án tổng thể); trước ngày 31 tháng 10 năm 2024 (đối với các địa phương có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện sắp, đổi mới theo đề án được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh lại để phù hợp với Nghị định số 04/2024/NĐ-CP hoặc thay đổi phương án đã được phê duyệt).

- Chỉ đạo Chủ tịch, Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại các DNNN là công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc địa phương, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ đạo được giao tại Chỉ thị này; chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thực hiện Chỉ thị.

Hoàng Hà

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
170 người đang online