31/08/2024 | lượt xem: 18 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Theo Chỉ thị, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh cần “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: (i) Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực; (ii) Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; (iii) Cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ; (iv) Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu; (v) Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; (vi) Chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; (vii) Hệ thống theo dõi, thống kê chưa chuẩn hóa, khó đánh giá; (viii) Hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để... Là các ngành mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới có nhiều cách tiếp cận về công nghiệp văn hóa phụ thuộc vào tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, cần chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; có tư duy sắc bén, hành động quyết liệt, hiệu quả, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển; đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn mới, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: * Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: - Quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. - Chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới; ưu tiên các chính sách về: Ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo. * Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong việc chủ động phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế ở địa phương và xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do địa phương ban hành; chủ động sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ phù hợp với tình hình của địa phương trong giai đoạn mới. - Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương. Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa; trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường khả năng thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. - Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế. - Chủ động xây dựng kế hoạch về quy hoạch không gian, bố trí quỹ đất, hỗ trợ các không gian sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa tại địa phương theo từng giai đoạn. Các địa phương, nhất là một số thành phố nằm trong “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” chủ động xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sáng tạo, đẩy mạnh khai thác, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tại địa phương. - Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa. Từ nay đến đầu năm 2026, hoàn thành xây dựng và tổ chức, duy trì hoạt động của chuyên trang nội dung về công nghiệp văn hóa trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan. - Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thống kê phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn chung và đẩy mạnh chuyển đổi số về các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. - Chủ động xây dựng cơ chế mở, thử nghiệm trong sáng tạo nhằm tiếp thu tiến bộ trong tư duy quản lý, điều hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của các quốc gia phát triển về các ngành công nghiệp văn hóa. - Chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư hỗ trợ hình thành các không gian văn hóa và sáng tạo, các dự án khởi nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, Chỉ thị cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông, ngoại giao, Khoa học và Công nghệ...và các Hội, Hiệp hội, tổ chức có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa thực hiện Chỉ thị. Hoàng Hà