27/10/2020 | lượt xem: 8 Cần tăng cường phòng chống tội phạm đối với trẻ em Tình hình tội phạm đối với trẻ em, nhất là tội phạm hiếp dâm, trong nhóm các tội xâm phạm tình dục tăng đáng kể. Theo báo cáo, tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng lên đến hơn 30% và chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các tội phạm hiếp dâm nói chung. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020. (Ảnh: quochoi.vn) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020. Thảo luận tại phiên thảo luận, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng, tình hình tội phạm đối với trẻ em, nhất là tội phạm hiếp dâm, trong nhóm các tội xâm phạm tình dục tăng đáng kể. Theo báo cáo thì tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng lên đến hơn 30% và chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các tội phạm hiếp dâm nói chung. Bên cạnh hiếp dâm, các hành vi như là cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em cũng có dấu hiệu tăng. Đây là con số rất đáng suy nghĩ, hành vi này không chỉ xâm phạm về an ninh trật tự mà trước hết là đến sự phát triển bình thường của trẻ em rồi đến tương lai của một thế hệ mới sẽ ảnh hưởng chung đến tâm lý của xã hội. “Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các hành vi hành hạ, ngược đãi cha mẹ. Những vụ án để lại những hình ảnh rất kinh hoàng, bức xúc và phẫn nộ trong dư luận khi người con gái đánh rồi đổ rác lên đầu người mẹ của mình, khi chính người con gái đấy cũng đã là mẹ, là bà. Rồi vụ khác là người con trai và người con dâu cũng đánh người mẹ của mình khi mà người mẹ đã 88 tuổi. Đấy là những câu chuyện rất đau lòng, nó không chỉ phản ánh việc vi phạm pháp luật, vi phạm pháp chế, mà đồng thời nó thể hiện sự băng hoại đạo đức, những vấn đề về gia đình Việt Nam đang cần có giải pháp”, đại biểu cho hay. Theo đại biểu, bên cạnh các giải pháp về mặt pháp lý, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cũng quan tâm định hình để ra được những nghị quyết về việc tăng cường công tác giáo dục về mặt đạo đức, về truyền thống gia đình Việt Nam của chúng ta đến với mọi người, đến mọi nhà. “Đây là vấn đề rất căn bản, chúng ta có thể đạt được rất nhiều những thành tựu kinh tế, nhưng khi những giá trị đạo đức, rồi những giá trị gia đình Việt Nam, hồn cốt Việt Nam tiếp tục không được bảo vệ, không được phát huy thì đấy là điều chúng ta rất đáng suy nghĩ”, đại biểu cho biết. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), tội phạm một số các lĩnh vực gia tăng, đặc biệt như một số đại biểu nói là hiếp dâm đối với trẻ em gia tăng đến hơn 30%. Nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử thi hành án gây nên bức xúc kéo dài, không được xem xét giải quyết dứt điểm, càng gây bức xúc, suy giảm mạnh lòng tin của cử tri và nhân dân. Đại biểu cho rằng, cử tri rất băn khoăn, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc vấn đề này. “Tôi cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng cần phải xem xét việc giám sát của Quốc hội trong các vụ án lớn, phức tạp. Vấn đề này cũng đã được nêu trong các Báo cáo của Mặt trận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội”, đại biểu nêu rõ. Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng nêu băn khoăn: Năm qua, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn năm trước 38,56% nhưng báo cáo của Thanh tra Chính phủ lại nêu chỉ có 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước do cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đặc biệt, số liệu về phát hiện, xử lý tham nhũng của Chính phủ còn khác nhau… Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ ý kiến đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính… Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung được nêu trong các báo cáo và cho rằng, báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng. Trong năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có tác động, ảnh hưởng hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với một số hạn chế, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục có những giải pháp xử lý./. Nguồn tin: dangcongsan.vn