Cần làm rõ hơn một số quy định về hành vi bạo lực gia đình

Thảo luận tại trường, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời góp ý Ban soạn thảo cần làm rõ hơn một số quy định về hành vi bạo lực gia đình; Quy định rõ về chủ thể, đối tượng của khái niệm “bạo lực gia đình”….
 

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu tại phiên họp chiều 14/6. Ảnh: QH 

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) chỉ ra rằng tại điểm q, Khoản 1, Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình là chưa hợp lý. Đại biểu phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình. Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định: Người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Quy định rõ về chủ thể, đối tượng của khái niệm “bạo lực gia đình”

Đóng góp ý kiến về khái niệm bạo lực gia đình, biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.

Liên quan đến Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”, đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm “người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.

Tranh luận với đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) về quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã ly hôn và người sống chung với nhau như vợ chồng, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, điều này hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược với khoản 2, khoản 16, Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình quy định về gia đình và thành viên của gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân và huyết thống 3 đời.

Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta thừa nhận hành vi này là hành vi bạo lực gia đình, thì vô hình chung chúng ta thừa nhận những mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp và mối quan hệ này cũng là những nguyên nhân gây ra những vụ bạo lực với trẻ em khi phải sống chung với người tình của mẹ hoặc người tình của bố. Trong thời gian vừa qua thì những hành vi đó đã được xử lý, điều chỉnh bằng các luật tương ứng khác mà không phải điều chỉnh bằng luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ khoản 2, Điều 4 của dự thảo luật vì những trường hợp người đã ly hôn (tức là quan hệ hôn nhân đã được chấm dứt bằng một quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật).

Có hình thức xử răn đe, rõ ràng hành vi bạo lực gia đình

Đóng góp ý kiến về tư vấn hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) bày tỏ thống nhất cao với việc tổ chức hình thức tư vấn hòa giải là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành khác để phát huy nguồn lực hiện có, cũng như tránh chồng chéo giữa các quy định.

Đại biểu cũng đề nghị việc tổ chức hòa giải thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở, trừ trường hợp hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó có hòa giải ngoài Tòa án theo quy định của Luật hòa giải đối với Tòa án nhân dân.

Nếu Luật quy định, thống nhất giao hoà giải bạo lực gia đình cho hòa giải cơ sở thì cần bổ sung chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ này là đảm bảo hiệu quả, không phát sinh thêm lực lượng vào cơ chế tài chính.

Về quy định góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được tổ chức khi việc thực hiện hòa giải không thành, nếu không phân định rõ loại hành vi bạo lực gia đình nào hòa giải không thành, sau đó tái diễn thì đưa ra cộng đồng góp ý, phê bình và góp ý, phê bình thuộc phạm vi điều chỉnh của thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng hay điều chỉnh có áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Nghị định 120.

Mặt khác, việc lên án người có hành vi bạo lực gia đình, góp ý tại cộng đồng mà không cần yêu cầu của người bị bạo lực gia đình có thể xảy ra các tác dụng ngược, có thể sẽ dẫn đến hành vi bạo lực gia đình ngày càng trầm trọng hơn, dẫn đến bạo lực nặng hơn hoặc tan vỡ gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị nên có hình thức xử lý răn đe, rõ ràng trong phạm vi nhất định.

Hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực gia đình

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) nhận xét, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, Điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Một là, hành vi bạo lực về thể chất. Hai là, hành vi bạo lực về tinh thần. Ba là, hành vi bạo lực về kinh tế. Bốn là, hành vi bạo lực tình dục.

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên họp thảo luận chiều 14/6. Ảnh: QH

Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Nên về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.

Đại biểu Cao Mạnh Linh chỉ rõ, về cơ chế xử lý xác minh, tin báo tố giác về bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp với tất cả các hành vi. Theo đại biểu sẽ hiệu quả hơn nếu dùng thiết chế gia đình, xã hội để tham gia tư vấn giáo dục can thiệp bước đầu với số hành vi bạo lực mới được nhận diện về hình thức, hành vi mà không gắn với hậu quả cụ thể. Đồng thời các biện pháp xử lý cơ bản chưa được cụ thể hóa về căn cứ, điều kiện áp dụng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý.

Mặt khác, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất, chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

Đại biểu cũng lưu ý bổ sung thêm cơ chế để gia đình, dòng họ, các mô hình xã hội hóa tham gia tích cực và công tác xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn. Có thể bổ sung việc người bị bạo lực có thể báo tin đến nhóm phòng chống bạo lực gia đình để tiếp nhận tư vấn xử lý; bước đầu bổ sung quyết định vai trò của Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững trong công tác tư vấn, hòa giải giáo dục, chuyển đổi hành vi bạo lực.

Xử lý bạo lực gia đình phải xuất phát từ đặc điểm gia đình Việt Nam

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) tán thành với việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đến việc xử lý bạo lực gia đình nhưng làm sao để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn mới là điều quan trọng.

Theo đại biểu, phải xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam, đặc điểm của gia đình Việt để quy định những biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phù hợp, để không xảy ra trường hợp sau khi can thiệp gia đình lại rạn nứt.

Đại biểu làm rõ, khảo sát thực tế đã cho thấy có đến 90,4% người bị chồng bạo lực không báo, thậm chí với những người đàn ông bị bạo lực cũng giấu. Nếu nay xử lý theo hướng lôi ra ánh sáng sẽ không phù hợp. Do đó, đại biểu nhấn mạnh: các biện pháp xử lý phải xuất phát từ điều kiện gia đình Việt Nam, đặc điểm gia đình Việt Nam đề vì mục đích lớn hơn là xử lý để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
29 người đang online