Bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 25/3.

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra  trong 2,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 7 dự án Luật, gồm: dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét về số lượng Thứ trưởng Bộ Công an theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp, phương án để phòng chống dịch của Việt Nam.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu các nội dung trình tại phiên họp, đồng thời ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện bảo đảm trong phòng, chống dịch bệnh của Văn phòng Quốc hội, giúp phiên họp được tiến hành an toàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để lấy ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới, trong tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện và gửi tài liệu của 5 dự án Luật sẽ thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, gồm: dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; lưu ý Văn phòng Quốc hội phải chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm trang thiết bị, đường truyền và kịp thời hướng dẫn cách thức tham gia cho các đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để xem xét kỹ lưỡng và tính cấp thiết, khả năng chuẩn bị các nội dung trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định chương trình làm việc tại Kỳ họp Quốc hội tới.

“Đến đầu tháng 4 nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải xem xét, thảo luận, quyết định về thời gian tổ chức Kỳ họp Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam hoặc người Việt Nam trở về từ nước ngoài đang lưu trú, sinh sống trên địa bàn, nắm chắc từng trường hợp để ngăn chặn việc lây lan cộng đồng.

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các khuyến cáo của ngành y tế trong việc hạn chế ra ngoài, không tập trung đông người và đeo khẩu trang.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường kỉ luật, kỉ cương hành chính trong bộ máy hành chính Nhà nước, không vì dịch bệnh mà đình trệ công việc. Tất cả các công việc phải được tiến hành trôi chảy theo kế hoạch thông qua việc thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần này để tổ chức công việc đúng theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn phải thực hiện các giải pháp để ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm này rất cần sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, đảm bảo tình hình đất nước ổn định, chăm lo đời sống Nhân dân.

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
40 người đang online