Bế mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và quyết định đối với 20 nội dung cụ thể.

Chiều 18/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 28, phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành, xem xét, cho ý kiến và quyết định đối với 20 nội dung cụ thể. 

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Nghị quyết về chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đối với chương trình công tác đối ngoại; về chương trình công tác năm 2024, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan để cân đối nội dung.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng và dự kiến dự án Pháp lệnh này sẽ được xem xét biểu quyết thông qua tại phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết quyết định bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm: dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). 

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền. Trong đó, đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024; xem xét, quyết định theo thẩm quyền và cho chủ trương để trình Quốc hội 9 nội dung về tài chính - ngân sách. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với một số quốc gia; cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong năm 2024.

Nhóm vấn đề thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để làm cơ sở hướng dẫn thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát rất quan trọng là hình thức giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11/2023.

Nhóm vấn đề thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ Sáu và cho ý kiến về công tác chuẩn bị các kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Đối với Kỳ họp thứ Sáu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Sáu và đánh giá Kỳ họp thứ Sáu vừa qua rất thành công. Tuy khối lượng công việc nhiều, độ khó cao, nhiều việc cấp bách phải xử lý nhưng đã được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua với tinh thần đoàn kết, dân chủ, tỷ lệ tán thành cao. Quốc hội tiếp tục có nhiều tìm tòi, nghiên cứu đổi mới để nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp vừa qua, Chính phủ và Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới phát huy năng lực nội sinh, khai thác các động lực tăng trưởng cũ cũng như tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong năm 2024. 

Về một số nội dung cần rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức, cơ quan hữu quan cần chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị sớm nội dung, phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, dự kiến số lượng dự án luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này khá lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục hoàn thiện và điều chỉnh theo hướng tinh gọn, mạch lạc hơn, vừa tiết kiệm thời gian vừa nâng cao chất lượng kỳ họp. Đối với Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, cần thiết tổ chức do yêu cầu cấp bách cũng như quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội.

Đối với những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, cần sớm trình để ban hành kết luận, làm căn cứ tổ chức thực hiện./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
29 người đang online