NATO duy trì cam kết đối với an ninh của Phần Lan và Thụy Điển

Quá trình đàm phán tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển vẫn còn nhiều trắc trở, song liên minh quân sự lớn nhất hành tinh cam kết và luôn lưu tâm tới các vấn đề an ninh của hai nước Bắc Âu này.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tham dự họp báo chung tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 13/6/2022. (Ảnh: Xinhua) 

Đây là thông điệp do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), ngày 13/4. Trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Điển, người đứng đầu NATO đã gặp nhiều quan chức cấp cao nước chủ nhà, gồm Thủ tướng Andersson, Ngoại trưởng Ann Linde, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hulqvist… để thảo luận về sự thay đổi cơ bản của môi trường an ninh sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, từ đó đi tới lập trường chung về tiếp tục duy trì hỗ trợ cho Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Stoltenberg hoan nghênh Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO, coi đây là một “bước đi lịch sử vào một thời điểm quan trọng đối với an ninh khu vực”. Nhà lãnh đạo NATO tin tưởng rằng, động thái trên của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không chỉ giúp thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng của khu vực Bắc Âu và Baltic mà còn thúc đẩy tăng cường an ninh xuyên Đại Tây Dương nói chung.

Tổng thư ký NATO cho biết ông và các đồng nghiệp vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên để giải quyết những lo ngại chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ về đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như sớm mang lại tiến triển trong việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.

Bên cạnh mối quan ngại về PKK, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tỏ rõ sự không hài lòng trước lệnh cấm vận vũ khí do Thụy Điển áp đặt nhằm vào nước này. Ankara hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong lời phát biểu ngày 13/6, ông Stoltenberg nhấn mạnh "Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid không phải là thời hạn chót”.

“Chúng tôi đang nỗ lực tìm ra giải pháp trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trong một tiến trình gồm sự can dự của nhiều bên, thì không có cách nào để dự báo chính xác về thời điểm đạt được đồng thuận chung” – ông Stoltenberg nói.

Người đứng đầu NATO hoan nghênh việc Thụy Điển sẵn sàng giải tỏa những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chỉ ra những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý của Stockholm về chống khủng bố. Ông Stoltenberg cũng đề cao nỗ lực giúp bảo đảm rằng những khuôn khổ pháp lý về xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển sẽ phản ánh vị thế tương lai của nước này là một thành viên của NATO cùng những cam kết mới với các đồng minh.

Nhà lãnh đạo này khẳng định NATO rất coi trọng các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số vấn đề khác. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng những tín hiệu mới nhất từ Thụy Điển và Phần Lan sẽ khiến hai nước Bắc Âu tiến thêm một bước tới tương lai gia nhập NATO.

“Chúng tôi đang nỗ lực và tích cực tháo gỡ những vấn đề này thông qua các vòng tham vấn chặt chẽ với Stockholm và Helsinki, tất nhiên là với cả đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của NATO. Dựa trên tinh thần đó, thì những thông điệp của Thụy Điển về chủ nghĩa khủng bố và xuất khẩu vũ khí là rất quan trọng” – ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg chỉ ra rằng, kể từ sau khi đệ đơn gia nhập NATO, Thụy Điển đã nhận được những bảo đảm an ninh từ nhiều nước NATO, trong khi liên minh cũng có những động thái tăng cường hoạt động và sự hiện diện trong khu vực.

Hiện Thụy Điển đang đăng tổ chức sự kiện BALTOPS 2022 – là cuộc tập trận lớn nhất của NATO ở biển Baltic, gồm sự tham gia của 7.000 binh sỹ đến từ 14 đồng minh và các đối tác của NATO, trong đó gồm cả Thụy Điển và Phần Lan. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, hai nước đã đóng vai trò trong các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của NATO trên khắp khu vực Baltic và Ba Lan. Theo đánh giá của ông Stoltenberg thì đây chính là những minh chứng hùng hồn về cam kết của NATO đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược này./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn