Bảo vệ lúa xuân trước diễn biến sâu bệnh gây hại gia tăng

Hiện nay, lúa xuân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Đây là một trong những giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa, tác động đến năng suất, chất lượng. Do vậy, nông dân cần chủ động các biện pháp để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả.

Nông dân huyện Kim Động phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa xuân
 

Qua kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ thực vật, từ ngày 28.4 đến ngày 4.5, sâu bệnh gây hại lúa có xu hướng phát triển nhanh. Bệnh đạo ôn lá gây hại nhẹ trên một số giống nhiễm như: Nếp các loại, Q5, TBR225… tỷ lệ bệnh nơi cao 2 - 3% số lá, cục bộ trên 10% số lá. Toàn tỉnh có 153ha nhiễm bệnh, trong đó nhiễm nặng 4,1ha, nông dân đã phòng trừ được 382ha. Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại trên các trà lúa, chủ yếu ở những ruộng cấy dày, ruộng bón nặng đạm; tỷ lệ bệnh nơi cao 5 - 7% số dảnh, cục bộ trên 10% số dảnh. Diện tích nhiễm 752ha, nông dân đã phòng trừ được 875ha. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8… tỷ lệ hại nơi cao 5 - 10% số lá. Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành (bướm) vũ hóa rộ và đẻ trứng, mật độ bướm phổ biến 0,5 - 1 con/m2, nơi cao 2 - 3 con/m2, cục bộ có ruộng 5 con/m2 (mật độ trứng nơi cao 40 - 50 quả/m2). Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang nở rộ; mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 500 - 700 con/m2, cá biệt có nơi trên 1000 con/m2 (mật độ trứng rầy nơi cao 300 - 500 ổ/m2). Ngoài ra, sâu đục thân bướm hai chấm gây hại rải rác gây hại với mật độ thấp.

Thời tiết trong những ngày vừa qua trời nắng, có mưa rào rải rác và dông; nhiệt độ dao động 19 - 300C, thuận lợi cho cây lúa làm đòng, trỗ bông; đồng thời, do ảnh hưởng của không khí lạnh kèm theo mưa và dông làm một số diện tích lúa bị khô tóp đầu lá ở mức nhẹ; cùng với đó, diễn biến sâu bệnh gây hại lúa phát triển mạnh. Để bảo vệ lúa xuân, các địa phương đã thường xuyên thông báo diễn biến sâu bệnh gây hại lúa trên hệ thống đài truyền thanh, đồng thời, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả. Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Để hạn chế những thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, cán bộ chuyên môn của huyện tích cực hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh đúng quy cách, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen. Thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Theo dự báo diễn biến sâu bệnh trên cây lúa của Chi cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, sâu cuốn lá nhỏ (sâu non) sẽ nở rộ, thời gian sâu nở có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái và sẽ gây hại từ nay đến giữa tháng 5, chủ yếu ở những ruộng xanh tốt, ruộng bướm dồn, đặc biệt ở các ruộng ven làng, gần đường giao thông, ruộng xen kẹt. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại trên các giống lúa nhiễm như nhóm lúa Nếp, Q5, TBR225, đặc biệt với trà lúa trỗ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, diện tích lúa trỗ trong điều kiện ít nắng, độ ẩm không khí cao. Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại gia tăng trên các trà lúa, đặc biệt ở những diện tích lúa cấy sớm, cấy dày, bón nặng đạm. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại gia tăng trên một số giống nhiễm, đặc biệt là sau đợt gió mùa Đông Bắc vừa qua, sau trận mưa dông.

Để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân cần thực hiện một số biện pháp phòng trừ như: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động phòng trừ trên các giống lúa nhiễm như nếp các loại, Q5… bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Bump Gold 400WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Map famy 700WP... phun khi lúa trỗ được 3 - 5%. Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại cần phòng trừ bằng các thuốc đặc hiệu như Anvil 5SC, Tilt Super 300EC, Super One 300EC, Camilo 150SC. Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn xuất hiện trên giống lúa nhiễm cần phòng trừ sớm bằng các thuốc như: Totan 200WP, Ychatot 900SP, Xanthomix 20WP, Lobo 8WP. Sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ nơi có mật độ sâu cao bằng các loại thuốc như Silsau 4.0EC, 5.0EC, Dylan 5WG, Oman 2EC, Director 70EC. Thời điểm phun trừ sâu non tuổi 1 - 2 (chỉ phun thuốc ở những ruộng có mật độ sâu cao, không phun tràn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường). Rầy nâu, rầy lưng trắng cần theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển gây hại; phun trừ kịp thời những ruộng có mật độ rầy cao bằng các thuốc đặc hiệu. Ở giai đoạn lúa làm đòng - trỗ, đông sữa cần sử dụng các thuốc nội hấp như Chess 50WG, Chatot 600WG, Apta 300WP. Để phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao, yêu cầu trên ruộng phải có nước từ 2 đến 3cm trở lên. Sâu đục thân bướm hai chấm cần phòng trừ nơi xuất hiện mật độ ổ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Vitarko 40WG, Voliam Targo 063SC, Dupont Prevathon 5SC, 35WG.

Nguồn tin: baohungyen.vn