WHO: Đại dịch COVID-19 vẫn đang ở giai đoạn rất nguy hiểm

Cho dù chúng ta đã đạt được tiến triển trong kiểm soát đại dịch, thì COVID-19 vẫn đang ở giai đoạn rất nguy hiểm. Trong tình huống hiện nay thì giải pháp duy nhất là hỗ trợ các nước phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: EPA-EFE) 

Đây là thông điệp do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong phiên họp Hội đồng điều phối của chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19”, ngày 6/7.

Người đứng đầu WHO chỉ ra rằng, nhiều nước có đủ công cụ để chống lại virus đã bắt đầu thu hẹp những biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, một số không được tiếp cận đầy đủ với các phương thức chống dịch đang phải đối mặt với làn sóng nhập viện và tử vong vì COVID-19.

Đây cũng là những nội dung đã được ông Ghebreyesus đưa ra khi tham dự Diễn đàn chính trị cấp cao của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) diễn ra cùng ngày. Không những thế, nhà lãnh đạo WHO cũng cảnh báo về sự “tăng tốc” của đại dịch tại một số nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ.

“Thực tế thì những ca nhiễm và tử vong tại các khu vực này, phần lớn đều có thể tránh được” – ông Ghebreyesus nói, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới huy động mọi phương thức theo khuyến cáo của WHO để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo Tổng Giám đốc WHO thì thực tế đã chứng minh rằng, việc chỉ dựa vào một vài công ty để cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu là mang tính hạn chế và gắn liền với những rủi ro.

Từ những lập luận trên, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chúng ta phải rút ra bài học từ đại dịch COVID-19, trong khi cộng đồng thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc lặp lại tình huống tương tự trong tương lai.

Cuối tháng 12/2019, Trung Quốc thông báo cho WHO về sự xuất hiện và lây lan của một căn bệnh viêm phổi lạ ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó cho tới nay, loại virus gây ra căn bệnh này – được WHO đặt tên là COVID-19 đã phủ bóng đen lên mọi ngõ ngách của trái đất. Ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Sau gần hai năm hoành hành, COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với nhân loại trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Trong bối cảnh trên, WHO, Liên minh châu ÂU (EU), Pháp, vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates, đã phát động chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A - “Access to COVID-19 Tools Accelerator”).

Theo WHO đánh giá thì sáng kiến mới này là một quan hệ đối tác “độc đáo” của các tổ chức y tế trên thế giới, tập hợp cùng nhau để cùng đưa ra một giải pháp toàn cầu mạnh mẽ, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng trong việc xét nghiệm, vaccine, điều trị, từ đó giảm bớt áp lực của đại dịch COVID-19 đối với thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, chương trình toàn cầu do WHO dẫn đầu nhằm tài trợ cho việc phát triển và điều chế vaccine, các phương pháp chẩn đoán và điều trị COVID-19 vẫn còn thiếu gần một nửa ngân sách cần thiết. Tình trạng thiếu ngân sách diễn ra trong bối cảnh các nước giàu đang ngày càng bỏ xa các nước nghèo về khả năng chống dịch, gồm cả việc tiếp cận vaccine không đồng đều giữa các nước. 

ACT-A ban đầu đặt mục tiêu huy động 38 tỷ USD đề đầu tư vào 3 trụ cột, bao gồm nghiên cứu vaccine (15,9 tỷ USD); điều trị (7,2 tỷ USD), và chẩn đoán (6 tỷ USD) bên cạnh đầu tư cho hoạt động kết nối các hệ thống y tế (9 tỷ USD). Tuy nhiên, tính đến ngày 25/6, chương trình mới chỉ nhận được cam kết đóng góp 17,7 tỷ USD cho giai đoạn 2020-2021, và vẫn còn thiếu phần còn lại trị giá 16,8 tỷ USD vào cuối năm nay./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn