Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm mộc thôn Thụy Lân

Chúng tôi về thăm làng mộc Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ), không khí lao động sản xuất, mua bán các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của người dân nơi đây diễn ra thật nhộn nhịp. Tiếng máy cưa xẻ, tiếng đục đẽo, bào, phay; tiếng đánh nhám, phun sơn mài… vang lên liên hồi khắp làng nghề. Trên các trục đường chính, ô tô bán tải, xe kéo hối hả chở sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ngược xuôi, tấp nập.

 

Nghề mộc ở thôn Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ)

Nghề làm mộc ở thôn Thụy Lân có từ cách đây gần 100 năm. Trước đây, các hộ sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, các sản phẩm làm ra khá đơn điệu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và một số xã lân cận, vì thế giá trị sản phẩm không cao, lợi nhuận thấp. Do đó, có thời điểm, nhiều người làm nghề trong làng không mặn mà với nghề, hoạt động cầm chừng, thậm chí bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ trong thôn mạnh dạn đầu tư mua sắm thiết bị, đồ nghề theo hướng chuyên môn hóa các khâu sản xuất; cải tiến mẫu mã sản phẩm và đa dạng hóa các mặt hàng như: Sập, giường, tủ, ghế, bàn thờ, hoành phi câu đối… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa từng công đoạn sản xuất, từng chi tiết sản phẩm dựa trên cơ sở tay nghề, sức khỏe và thời gian đáp ứng công việc của từng lao động. Trong cùng một loại sản phẩm, nhưng mỗi người thợ hoặc nhóm thợ chỉ sản xuất một chi tiết hoặc một nhóm chi tiết sản phẩm, vì vậy đòi hỏi những người thợ phải có sự phối hợp để các chi tiết sản phẩm sau khi lắp ghép bảo đảm ăn khớp, chắc chắn, hài hòa, bảo đảm các yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật của đơn đặt hàng. Nhờ có sự chuyên môn hóa nên những người thợ đã phát huy được năng lực sở trường, năng suất lao động tăng cao. Hiện nay, làng nghề có khoảng 200 cơ sở đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, thợ có tay nghề cao thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng. 

Thời gian qua, xã Thanh Long có nhiều giải pháp thúc đẩy nghề làm mộc ở thôn Thụy Lân phát triển như: Tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài; phát triển hạ tầng giao thông giúp cho việc giao thương của các cơ sở làng nghề với các địa phương khác được thuận lợi… Năm 2019, xã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mộc Thụy Lân. Đến nay, dự án đã hoàn thành các bước về thiết kế mẫu logo để đăng ký nhãn hiệu tập thể; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu; xây dựng quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể và kiểm soát chất lượng sản phẩm… dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Anh Nguyễn Đăng Chính, chủ một cơ sở sản xuất của làng nghề chia sẻ: Tôi đã có hơn chục năm gắn bó với nghề. Khoảng 5 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, tôi đã đầu tư mua sắm máy móc và mở rộng sản xuất, kinh doanh; các công đoạn sản xuất chủ yếu như xử lý gỗ nguyên liệu, xẻ, cưa, đục, bào, phun sơn... đều sử dụng máy móc hiện đại nên có chất lượng tốt hơn. Từ khi làm nghề đến nay, cơ sở luôn chú trọng đến chất lượng, mẫu mã của sản phẩm; những sản phẩm luôn bảo đảm các yếu tố về độ bền, tuổi thọ, tính thẩm mỹ… Khi nghe thông tin sản phẩm mộc Thụy Lân được xây dựng nhãn hiệu tập thể, tôi thấy rất vui. Vì khi có được nhãn hiệu tập thể, sản phẩm của làng nghề sẽ được thiết lập cơ chế bảo hộ, qua đó nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, chống các hành vi xâm phạm bản quyền. 

Đồng chí Đỗ Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Long cho biết: Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm làng nghề có ý nghĩa rất lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù của địa phương, qua đó gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Trong thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ làng nghề về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa; tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ…

Nguồn tin: baohungyen.vn