Vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, không chùn bước, phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương…

Khó khăn gấp đôi, phải phấn đấu gấp ba 

Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến vào nghị quyết sau phiên họp, tập trung làm ngay những vấn đề cấp bách, càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế - xã hội.  

Nhắc lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”. 

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%. 

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế, “đây là mục tiêu kép, phải thực hiện đồng bộ".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.

Về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng cho rằng cần chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. 

Về tài khóa, Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…

Cho rằng vai trò của Nhà nước, của chính sách tiền tệ, tài chính với an sinh xã hội là rất quan trọng. Thủ tướng đề nghị hệ thống tài chính quốc gia từ trung ương đến địa phương bơm thêm tiền cho an sinh xã hội “không để ai quá khổ, quá khó khăn trong lúc đại dịch gây ảnh hưởng”.

Về thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, thành phố, địa phương trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi xin đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể”.

Thủ tướng lưu ý muốn thành công thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm sự chậm chạp, trì trệ, đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết đến từ các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp thúc đẩy  kinh tế trong bối cảnh “sống chung với COVID-19".

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: Quang Hiếu. 

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thủ đô đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách theo dự toán Chính phủ giao.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, Hà Nội đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu COVID-19; cho phép Hà Nội khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đặt mục tiêu hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân phải trên 80%. Đồng thời, kiến nghị, Thủ tướng xem xét tháo gỡ khó khăn về thực hiện đầu tư công.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: Thành phố sẽ vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để làm tốt hơn. 

Là một trong 12 địa phương tăng trưởng âm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Đã Nẵng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản “đóng băng”, cũng như kích cầu du lịch nội địa…  

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, các cơ quan trung ương tiếp tục quan tâm, có chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý đối với những dự án trước đây của Đà Nẵng liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, đề xuất đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng…/.

Nguồn tin: dangcongsan.vn