Hội thảo truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân Hưng Yên

Ngày 15.5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân Hưng Yên. Các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) dự và chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Hưng Yên là một trong những địa phương vừa có nền văn hiến lâu đời, đồng thời là mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng và văn hóa. Trong bề dày lịch sử yêu nước và đấu tranh cách mạng, nhiều thế hệ người Hưng Yên đã anh dũng, kiên cường đứng lên đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại cường quyền áp bức, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giới thiệu khái quát về tiềm năng, lợi thế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, đồng thời mong muốn những nghiên cứu, tham luận tại hội thảo sẽ đóng góp quan trọng, thiết thực cho công tác biên soạn cuốn sách "Lịch sử tỉnh Hưng Yên từ khởi thủy đến năm 2015" - công trình khoa học chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận 31 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa với 3 nội dung chính: Hưng Yên trong phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm; các vị lãnh tụ, tướng lĩnh Hưng Yên trong phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng; dấu ấn văn hóa và phát huy tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng. 

Tại hội thảo, có 9 tham luận được trình bày trực tiếp với các chuyên đề: Triệu Việt Vương - Người kế tục Lý Nam Đế trong sự nghiệp chống ngoại xâm; Tiên Lữ trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938; Những đóng góp của nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống quân Minh; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hưng Yên; Trận đánh hạ bốt La Tiến (Phù Cừ) đầu năm 1954; Hưng Yên trong hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972)...

Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Thủy trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự đầu tư về thời gian, tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu qua các tham luận tại hội thảo. Nội dung các bản tham luận phong phú, đa dạng; tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân Hưng Yên qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Các ý kiến, tham luận sẽ là tài liệu quý phục vụ cho công tác biên soạn cuốn sách "Lịch sử tỉnh Hưng Yên từ khởi thủy đến năm 2015", là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguồn tin: baohungyen.vn