Thủ tướng Pháp khẳng định quyết tâm sớm vượt qua khủng hoảng Covid-19

Ngày 2-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn đầy khó khăn trong những ngày tới nhưng Chính phủ đang huy động tất cả nguồn lực để cứu chữa bệnh nhân và ngăn chặn sự lây lan. Cùng ngày, Bộ Y tế Pháp lần đầu tiên cho biết, có ít nhất 884 ca tử vong ở các nhà dưỡng lão.

 

Thủ tướng Pháp khẳng định quyết tâm sớm vượt qua khủng hoảng Covid-19

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe: Tuần tới sẽ thực hiện 30 nghìn xét nghiệm Covid-19/ngày.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 và LCI tối 2-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, Chính phủ đang "chiến đấu" từng giờ để bảo đảm việc cung cấp trang thiết bị y tế, thuốc men, đồ bảo hộ chống dịch. Tình trạng hiện nay vô cùng cấp bách, nhất là đối với người bệnh nặng và nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, trong khi đó nhu cầu mua đồ y tế của các nước ngày càng lớn.

Thông báo về tình hình tại các điểm nóng, Thủ tướng Pháp cho biết, các bệnh viện ở vùng Grand Est ở phía đông đã tạm ổn sau đợt "sóng dữ" vừa qua sau khi có bệnh viện dã chiến của quân đội cùng với phương án chuyển bớt bệnh nhân tới các khu vực khác ít bị ảnh hưởng hơn. Trong khi đó, vùng thủ đô Ile-de-France hiện là khu vực "nóng" nhất do số người nhiễm và tử vong đang tăng rất nhanh.

Trong mấy ngày qua, hàng loạt biện pháp cấp bách đã được triển khai để tăng cường khả năng ứng phó cho các bệnh viện ở Paris và các khu vực lân cận như tăng số giường chăm sóc đặt biệt, chuyển bớt bệnh nhân nặng tới các khu vực khác, huy động thêm nhân viên y tế. Số người nhập viện ngày càng tăng, lên tới hơn 10 nghìn tính tới tối ngày 2-4. Vì vậy, có thêm 60 bệnh nhân nặng đã được chuyển bằng tàu cao tốc và trực thăng tới các khu vực khác ở phía tây nam.

Một trung tâm y tế tiếp nhận bệnh nhân cũng đang được gấp rút xây dựng tại Bệnh viện Henri-Mondor ở ngoại ô phía đông nam Paris. Dự kiến hoàn thành vào tháng 6 nhưng từ giữa tháng 4 trung tâm này có thể tiếp nhận khoảng 86 bệnh nhân.

Đề cập đến số người nhiễm và tử vong vẫn tăng cao sau hai tuần hạn chế di chuyển, Thủ tướng Pháp cho rằng, nhiều người đã bị mắc Covid-19 từ trước. Thực tế, các biện pháp ứng phó để hạn chế sự lây lan và củng cố các bệnh viện được triển khai chậm hơn so với Đức, nước có số người nhiễm cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn hẳn. Thủ tướng Edouard Philippe nói: Bệnh dịch bùng phát ở Italy, rồi tới Tây Ban Nha nhưng Pháp ứng phó chậm. Trong khi đó, Đức đã kịp thời chuẩn bị các biện pháp hiệu quả hơn. Vì vậy trong những ngày tới, Pháp sẽ tăng cường việc xét nghiệm không chỉ để kịp thời cứu chữa những người bị bệnh nặng mà còn hạn chế tối đa sự lây lan.

Theo Thủ tướng Pháp, dịch bệnh còn diễn biến khó lường nên các biện pháp phòng ngừa sẽ được cân nhắc tùy theo tình hình. Lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực tới ngày 15-4 cũng có thể kéo dài thêm, kể cả việc tiếp tục hoãn vòng hai cuộc bầu cử địa phương thêm vài tháng nữa. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Nhà nước là dồn mọi nguồn lực để khống chế bệnh dịch, hạn chế tối đa thiệt hại về người, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động để không chỉ vượt cuộc khủng hoảng hiện nay mà còn ứng phó với khủng hoảng kinh tế sắp tới do bệnh dịch.

Theo Bộ Y tế Pháp, trong 24 giờ qua, có thêm 471 ca tử vong "tại bệnh viện" và 2.516 ca nhiễm so với ngày 1-4, nâng tổng số lên 4.503 ca tử vong và 59.505 ca mắc. Hiện có 26.246 người đang được điều trị trong bệnh viện, tăng 1.607 ca, trong đó có 6.399 trường hợp được chăm sóc đặc biệt, nhiều hơn 382 ca so với một ngày trước. Tuy nhiên, có thêm 1.493 người được điều trị khỏi và xuất viện.

Biểu đồ số bệnh nhân đang được điều trị trong bệnh viện ở Pháp. Khu vực Thủ đô có tỷ lệ cao nhất, tới 13,2%/10 nghìn dân số tính tới ngày 2-4. (Nguồn: Bộ Y tế Pháp).

Đề cập đến số người bị nhiễm và tử vong ở các nhà dưỡng lão, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết, đây là lần đầu tiên công bố thống kê ở các cơ sở chăm sóc người có tuổi. Con số này "có thể" chưa đầy đủ vì Bộ Y tế mới nhận được số liệu từ các bệnh viện.

Chính phủ Pháp nhận định rằng, tình hình còn rất nhiều khó khăn trong những ngày tới vì dịch chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Vì vậy, các biện pháp cứng rắn vẫn phải duy trì để ngặn chặn nguy cơ lân lan của virus corona, trong khi các bệnh viện ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang ở ngưỡng quá tải. Cùng với việc thực thi lệnh hạn chế di chuyển, gần 30 thành phố trên toàn nước Pháp còn ban hành lệnh giới nghiêm từ tối cho tới sáng.

Nhằm hạn chế tối đa tình trạng di chuyển không đúng mục đích, Bộ Nội vụ Pháp sẽ áp dụng việc kiểm tra qua mẫu khai trong điện thoại từ đầu tuần tới. Theo đó, mọi người phải tải một ứng dụng khai báo, rồi xác nhận theo mẫu về thời gian cũng như mục đích ra khỏi nhà. Cảnh sát sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng để quét mã QR (mã phản hồi nhanh) để biết thời gian khai báo và xác định có đúng mục đích ra đường hay không. Giấy xác nhận mục đích ra khỏi nhà hiện nay có phần ghi ngày giờ, tuy nhiên cảnh sát đã phát hiện nhiều trường hợp viết sẵn mấy tờ khai để trình báo tùy theo thời điểm bị kiểm tra.

Bệnh dịch diễn biến ngày càng nghiêm trọng khiến cho hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, bị đình trệ. Theo thông báo ngày 2-4 của Chính phủ Pháp, hiện có khoảng 4 triệu người bị thất nghiệp tạm thời. Gần 340 nghìn doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, nhất là du lịch và giải trí, phải đóng cửa.

Trong một diễn biến khác, các chuyên gia của Cơ quan Y tế công cộng Đức vừa đưa ra khuyến nghị rằng việc đeo khẩu trang là một biện pháp phòng ngừa nguy sơ lây nhiễm virus corona. Lý do là vì một số người mắc bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có thể làm lây sang người khác. Vì vậy mọi người cần đeo khẩu trang khi tới những nơi công cộng và khi không thể giữ khoảng cách toàn. Ngày 30-3, chính quyền Áo cũng thông báo về việc bắt buộc đeo khẩu trang khi đi mua đồ dùng thiết yếu.

Hơn 4.000 ca tử vong trong bệnh viện ở Pháp do Covid-19

https://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43901902-thu-tuong-phap-khang-dinh-quyet-tam-som-vuot-qua-khung-hoang-covid-19.html

 

 

Nguồn tin: nhandan.com.vn