Hưng Yên quyết liệt xử lý nợ đọng thuế

Trong công tác quản lý thuế hiện nay, việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) và thực hiện công bằng xã hội.

Cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh trao đổi nghiệp vụ
Cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh trao đổi nghiệp vụ

Thời gian qua, bên cạnh những tập thể, cá nhân thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với nhà nước thì tình trạng nợ đọng thuế vẫn ở mức cao. Thực hiện Chỉ thị số 06/CT – UBND ngày 11.5.2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh, hàng năm, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã tổ chức giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị, từng cán bộ và thường xuyên đôn đốc các đơn vị tích cực thu nợ bằng các biện pháp theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan thuế triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng người nộp thuế, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, khu vực kinh tế. Với những đối tượng nợ đọng chây ỳ, ngành Thuế phối hợp với các chi nhánh ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước phong tỏa tài khoản và trích tiền từ tài khoản của các đối tượng nợ thuế chuyển nộp ngân sách; thông báo hóa đơn không có giá trị. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng cường xử phạt chậm nộp, đơn vị còn gắn công tác thanh tra với công tác thu nợ thuế, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tổng số nợ thu được trong năm 2019 là trên 1.846 tỷ đồng, trong đó, thu qua điều chỉnh nợ được trên 25,6 tỷ đồng; thu qua cưỡng chế nợ được trên 86,5 tỷ đồng, thu bằng chứng từ nộp được trên 1.734 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã ban hành 147.386 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp gửi tới người nộp thuế; ban hành 2.594 quyết định cưỡng chế, trong đó bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản là 2.141 quyết định, bằng biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng là 453 quyết định; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp chây ỳ, không chấp hành pháp luật thuế trên website ngành thuế và các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tính đến hết tháng 1.2020, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh do ngành Thuế quản lý là trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Những khó khăn, hạn chế trong công tác xử lý nợ thuế trên địa bàn tỉnh là: Số tiền nợ cũ, tồn đọng kéo dài từ những năm trước không thu hồi được; số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày khiến tiền nợ tăng lên; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN). Tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 53,8% trên tổng số tiền thuế nợ. Số thuế nợ này chủ yếu của người nộp thuế thuộc các đối tượng như: Đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh, người nộp thuế không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản dẫn đến không thuộc diện được xoá nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế. Hiện nay, cơ quan thuế mới chỉ áp dụng đến biện pháp cưỡng chế là thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng. Các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ gặp khó khăn, khó thực hiện được vì đối tượng cưỡng chế thường không còn tài sản hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Công ty cổ phần dầu thực vật Quang Minh (Kim Động) hiện có số nợ cao và kéo dài nhiều năm
Công ty cổ phần dầu thực vật Quang Minh (Kim Động) hiện có số nợ cao và kéo dài nhiều năm

Việc đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 và bảo đảm công bằng xã hội. Ngày 10.2.2020, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 469/CT-QLT về việc giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc. Theo đó, giao chỉ tiêu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31.12.2020 toàn ngành không vượt quá 814 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo cán bộ, công chức Phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, các Chi cục Thuế triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế có khả năng thu, mới phát sinh tăng cao trong những tháng đầu năm 2020. Cơ quan thuế phân công giao nhiệm vụ thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý để thu ngay tiền thuế nợ mới phát sinh vào NSNN, đồng thời tiếp tục thu nợ cũ để giảm số tiền thuế nợ đọng. Các đơn vị chức năng trong ngành Thuế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận (Quản lý nợ, Kê khai và Tin học) tổ chức thực hiện rà soát dữ liệu kê khai thuế, chứng từ, biên lai nộp thuế, phát hiện ngay những trường hợp dữ liệu kê khai sai, nộp sai mục lục ngân sách, sai mã số thuế để điều chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp nợ sai, nợ ảo. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, công khai những đơn vị cố tình chây ỳ không nộp thuế đúng  hạn. Các cơ quan Thuế thực hiện tốt các quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế, kiên quyết trong công tác xử lý thu hồi nợ đọng, thực hiện biện pháp cưỡng chế tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN. Xử lý quyết liệt đối với các đơn vị nợ đọng lớn, nợ đọng kéo dài thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án đối với những đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất kéo dài. Tổ chức thực hiện tốt việc rà soát phân loại nợ thuế nhằm triển khai tốt Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đồng thời kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan công an những doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế hoặc trốn thuế để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn tin: baohungyen.vn