Không sửa luật, khó xử lý hình sự hành vi sử dụng vũ khí tự chế

Theo các đại biểu, việc sử dụng vũ khí tự chế gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hình sự sẽ làm gia tăng tội phạm, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, tạo nên nhiều hệ lụy…

Sáng ngày 14/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương): Qua hơn 1 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 đã phát sinh những vướng mắc khi xử lý các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng như: Súng ổ xoay, súng bút, súng bắn đạn hoa cải. Dẫn đến các cơ quan tư pháp không xử lý được các hành vi này. Trong khi đó, các loại súng này có tính năng sát thương cao, các đối tượng sử dụng các loại súng thường đa phần là các tội phạm nghiêm trọng, không loại trừ trường hợp dùng để khủng bố.

“Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu không bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hình sự sẽ làm gia tăng tội phạm, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, tạo nên nhiều hệ lụy khác”, đại biểu nói.

Chỉ ra hiện nay còn tồn đọng 230 vụ với 321 đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, đại biểu Nguyễn Văn Khánh cho rằng cần sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật liên quan đến nội dung này để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi trái phép nguy hiểm cho xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: Lâm Hiển.

Ủng hộ quan điểm cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho hay: Trước đây Bộ luật Hình sự quy định người nào sử dụng vũ khí quân dụng và có tính năng tương tự sẽ bị cấm. Nhưng khi sửa đổi đã bỏ vũ khí có tính năng tương tự đi, do đó chỉ có vũ khí quân dụng mới được xem là tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ thực tế quy định này, nhiều địa phương đã gửi văn bản xin ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao đối với những vụ việc sử dụng súng hoa cải, súng săn hay các loại súng khác làm chết người, gây thương tích, nhưng không phải vũ khí quân dụng nên các địa phương chưa xử được.

“Chúng tôi đã họp rất nhiều lần với Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhưng không hướng dẫn được, lý do là không có trong Luật và Hiến pháp quy định những hạn chế từ con người phải do Luật quy định…”, đại biểu Bình nói.

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Hòa Bình, về mặt lâu dài thì chắc chắn Điều 304 Bộ luật Hình sự phải xem xét lại.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng, chỉ có cách duy nhất đảm bảo tính thống nhất, chính xác và không làm thay đổi về chính sách xã hội là sửa khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự theo hướng sau: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) phân tích: Ở đây chúng ta đang bị vướng, đó là những vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng đưa vào như thế nào cho phù hợp.

“Cần bổ sung vào trong Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ một khoản riêng, đó là quy định về những vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng, như vậy thì khi thực hiện sẽ không vướng”, đại biểu kiến nghị./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn