Mỹ nêu triển vọng về cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Phó Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Alex Wong ngày 5/11 cho biết, việc xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Triều Tiên.

Phó Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Alex Wong phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ, ngày 5/11. (Ảnh: Yonhap)

Thông điệp này của ông Alex Wong đã phần nào giải tỏa được những nghi ngại trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ do những bất đồng chưa thể thu hẹp liên quan tới mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để nhận được việc gỡ bỏ trừng phạt và bảo đảm an ninh từ Mỹ. Trong thời gian trở lại đây, Triều Tiên cũng đã vài lần nhắc lại lời cảnh báo nước này sẽ “chờ tới cuối năm 2019” để Mỹ đưa ra một đề xuất phù hợp cho cả đôi bên.

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, ngày 5/11, ông Alex Wong tin tưởng rằng: “Chúng ta có thể đem lại tương lai ổn định hơn, thịnh vượng hơn và hòa bình hơn cho tất cả người dân trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nếu như chúng ta có thể làm được công việc mà chúng ta cần làm trong các vòng đàm phán…". Đây là lý do tại sao một cơ chế hòa bình ổn định được xem là một trụ cột quan trọng trong Tuyên bố chung đã được Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6/2018.

Theo quan điểm của quan chức ngoại giao trên thì việc xây dựng một cơ chế hòa bình sẽ là một phần “không thể thiếu” trong tầm nhìn của Tổng thống D.Trump về một tương lai tươi sáng cho Triều Tiên. Quan niệm này hứa hẹn mang lại một sự dịch chuyển chiến lược trên bán đảo Triều Tiên và sẽ thúc đẩy lợi ích của tất cả các bên liên quan, đồng thời còn làm sáng tỏ hơn một điều rằng, chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên chính là một yếu tố mang lại sự bất ổn, thay vì là một sự bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.

“Khái niệm về một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp và khó định hình…Điều này đi kèm với một loạt các vấn đề mà chúng tôi và Triều Tiên sẽ phải giải quyết trong các cuộc đàm phán” – ông Alex Wang nói.

Phát biểu trên của ông Alex Wong được cho là phát đi tín hiệu về việc Mỹ sẵn sàng giải quyết những quan ngại của Triều Tiên về vấn đề an ninh và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vốn chỉ đang được duy trì bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một Hiệp định hòa bình.

Đầu tháng 10/2019, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành vòng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên đầu tiên tại Stockholm (Thụy Điển) kể từ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tháng 2/2019. Phía Triều Tiên chỉ trích Mỹ không đưa ra đề xuất mới nào và đã tiến hành một số vụ phóng thử các vật thể tầm ngắn trong một động thái được xem là nhằm “gia tăng sức ép” lên Washington.

Trong khi đó, sự đình trệ trong tiến trình đàm phán hạt nhân cũng kéo theo trạng thái “nguội lạnh” trong mối quan hệ liên Triều cùng với việc Triều Tiên, vào tháng trước, đã yêu cầu Hàn Quốc di dời tất cả các công trình của nước này tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang bị đóng cửa từ lâu.

Ngày 5/11, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đề xuất cử phái đoàn tới thị sát khu nghỉ dưỡng núi Kumgang, trong một động thái được cho là nhằm mở đường cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp với người láng giềng phía Bắc. Chính phủ Hàn Quốc đã từng bày tỏ quyết tâm tìm kiếm những “giải pháp sáng tạo” cho các vấn đề liên quan tới khu nghỉ dưỡng núi Kumgang vì xem đây không chỉ là một địa điểm du lịch mà còn là nơi diễn ra các cuộc giao lưu “phi chính trị” giữa hai miền Triều Tiên, gồm cả các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn