Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10

Chiều 5-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực trong nước. Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân có nhiều nỗ lực, quyết tâm, nhờ đó nền kinh tế tháng 10 và 10 tháng qua có nhiều điểm sáng, thể hiện ở nhiều chỉ số rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế còn chịu nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài, do đó việc chỉ đạo, điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ, tài khoá cần hết sức thận trọng, linh hoạt. Thủ tướng cũng nêu rõ một số thách thức tồn tại trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giá nông sản thấp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, một số chỉ số phản ánh môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại... Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chú ý, tránh việc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, chậm chễ, ngại khó, né tránh, gây trì trệ công việc; một số vấn đề xã hội nhức nhối thời gian qua nhất là đưa người xuất cảnh trái phép, tín dụng đen, lừa đảo,…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm chỉ còn hai tháng nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan vì khối lượng công việc và trách nhiệm còn hết sức nặng nề; còn rất nhiều vấn đề phải tháo gỡ quyết liệt. Tinh thần là chúng ta phải quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2019 đã đề ra, tạo dư địa chính sách cho phát triển vào năm tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương theo dõi tác động của chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, nhất là đa dạng hoá thị trường, tận dụng tối đa lợi thế các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tập trung phát triển thị trường trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ thị trường chứng khoán, các dòng vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán; chú trọng kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước theo dõi đánh giá tác động của thị trường tiền tệ, tài chính thế giới để có giải pháp ứng phó kịp thời; chú trọng tăng dự trữ ngoại hối; điều hành chính sách trung tâm linh hoạt, thận trọng để chống chọi các cú sốc bên ngoài. Bộ Công thương tăng cường triển khai đề án chống gian lận thương mại, xuất xứ; phối hợp với các bộ, ngành chức năng xử lý nghiêm một số vụ vi phạm.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; nhất là chú trọng tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có giải pháp phát triển, thu hút du lịch. Tiếp tục giải quyết vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có chương trình quản lý vốn hiệu quả, thiết thực hơn, nhất là đất đai thuộc quản lý của nhà nước. Tích cực tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục cải cách thủ tục thuế; bảo đảm tính sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0). Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về CMCN4.0; sớm có chiến lược thu hút đầu tư FDI. Các bộ, ngành giảm các vấn đề gây bức xúc xã hội như đưa người xuất cảnh trái phép; giải quyết dứt điểm một số vấn đề tồn tại của nền kinh tế.

Tại phiên họp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân là nạn nhân trong vụ việc 39 người chết ở Anh trước mất mát to lớn, gây bàng hoàng trong dư luận. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đến Anh, phối hợp với các cơ quan chức năng Anh để xác định danh tính.

Cho biết, nhân dân và bạn bè quốc tế rất đau lòng trước vụ việc chết 39 người này, trong đó có nạn nhân là người Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, đây là hiện tượng di cư bất hợp pháp, có bàn tay của những đối tượng buôn bán người. Thủ tướng cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, từ thủ đô Tokyo dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt đối với Bộ Công an, Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra làm rõ nguyên nhân. Cùng với đó, các bộ phối hợp với phía Anh để chủ động giải quyết vụ việc, trong đó có việc xác định ADN để xác định danh tính.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan chức năng của Anh đã phối hợp tốt với các cơ quan Việt Nam xử lý vụ việc nghiêm trọng này. Trong lúc này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có gia đình đã xác định được nạn nhân là người thân động viên, hỗ trợ kịp thời, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc.

Thủ tướng cho biết, phái đoàn Việt Nam do Bộ Ngoại giao làm trưởng Đoàn đang phối hợp với các cơ quan của Anh sớm công bố danh tính nạn nhân sau khi thực hiện các nghiệp vụ cần thiết, thực hiện tốt nhất công tác bảo hộ công dân Việt Nam. Cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm đối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình quản lý, Thủ tướng lưu ý tình trạng tồn tại đường dây đưa lao động đi nước ngoài bất hợp pháp. Hiện Công an các địa phương đang tiến khành khởi tố, xử lý một số đối tượng, truy tìm các đối tượng có liên quan.

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Xử lý nghiêm những vụ việc cài cắm bản đồ "đường lưỡi bò"

Liên quan việc bản đồ có hình ảnh "đường lưỡi bò" vào sản phẩm phim ảnh, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã xử lý hành vi vi phạm này liên quan tổ chức, cá nhân, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong Bộ, trong đó có các đơn vị liên quan các hoạt động nghệ thuật, nhất là Cục Ðiện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan rà soát về mặt nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát...

Bộ cũng quán triệt các cán bộ trong ngành phải tăng cường tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng thẩm định phim; tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, Bộ cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp, hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng trên các lĩnh vực. Bộ cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định...

Liên quan sự việc hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong giáo trình của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được sử dụng trong thời gian dài, nhưng không bị phát hiện, đại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình có ghi rõ hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên hiệu trưởng trường xem xét, quyết định. Do đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về hội đồng thẩm định giáo trình và hiệu trưởng trường đại học. Hiện nay, Bộ đã yêu cầu trường dừng ngay việc sử dụng giáo trình này; thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành, đồng thời xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan theo quy định.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, gần đây một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô-tô, phần mềm, sách giáo khoa... có hình ảnh "đường lưỡi bò" là việc chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta phải cảnh giác cao độ; khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có "đường lưỡi bò" tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam.

Ði lao động nước ngoài theo đường hợp pháp

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết, các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam. Hiện có gần 400 doanh nghiệp (DN) được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong ba năm qua, mỗi năm có hơn 100 nghìn người đi lao động tại các nước. Việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương ở từng DN, người được DN đưa đi đều được cấp thị thực, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội...

Bộ cũng khuyến cáo người dân, thanh thiếu niên có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có thị thực, giấy phép lao động, có mức lương, có thỏa thuận.

Nguồn tin: nhandan.com.vn