Đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam

Đó là một trong những mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam nhấn mạnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 20/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (dự án Luật).

Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam trình bày nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam trình bày Tờ trình dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: Quang Khánh/daibieunhandan.vn)

Mục đích của việc sửa đổi Luật là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Dự thảo Luật sửa đổi 18 Điều, bổ sung 3 Điều của Luật số 47. Đáng chú ý là các nội dung: Luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu; sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng: Nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên và phân loại các nhà đầu tư theo 4 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp....

Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định: Việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cấp chứng nhận tạm trú qua Cổng kiểm soát tự động; người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam và cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, xuất phát từ lý do: Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 và Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội được đánh giá là có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước, cần phải được luật hóa để bảo đảm thực hiện ổn định lâu dài. Cùng với đó là yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế tại một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý người nước ngoài tại Việt Nam….

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam. Đồng thời, thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng; bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại đã được ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh Châu Âu.

Ngay sau khi cho ý kiến về các nội dung trên, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ 37.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp dài nhất của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến về 13 dự án Luật cùng nhiều nội dung quan trọng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị nội dung, tài liệu cho phiên họp có sự tiến bộ so với các phiên họp trước. Một số nội dung tuy chậm, bổ sung thêm vào chương trình nhưng tài liệu vẫn được chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó, các thành viên của UBTVQH đã chủ động sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ, cho ý kiến sôi nổi vào các nội dung. Các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã có sự chuẩn bị, phối hợp và tham dự đầy đủ các nội dung phiên họp để tiếp thu, hoàn chỉnh một bước các nội dung trước khi trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành thông báo kết luận phiên họp của UBTVQH để các cơ quan hữu quan có căn cứ triển khai. Trong đó, cố gắng hoàn tất các nội dung đã cho ý kiến, cũng như những nội dung cần xin ý kiến bằng văn bản hay cần tiếp tục cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38.

Cho biết Phiên họp thứ 38 của UBTVQH dự kiến kéo dài 3 ngày làm việc, sát với thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 8, khối lượng công việc cần xem xét khá nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các nội dung bảo đảm tiến độ./.

Nguồn: dangcongsan.vn