Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là cần thiết

Theo các đại biểu, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp và cần thiết để răn đe cán bộ, công chức.


Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật  Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. (Ảnh: quochoi.vn)

 Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 10/6, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tán thành với với sự cần thiết ban hành luật. Đồng thời nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng để kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như: Hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, về hình thức kỷ luật giáng chức, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức; thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức…

Về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, nhiều đại biểu cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp với thực tiễn. Vì thời gian qua có nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng luật. Dự thảo bổ sung là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ, công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc bổ sung nội dung trên là phù hợp với thực tiễn vì thời gian qua nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể. Đây là quy định cần thiết để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội lại cho rằng, người nghỉ hưu có thể bị xử lý kỷ luật về Đảng, thậm chí kỷ luật xóa tên, có thể bị xử lý về hình sự nhưng lại xử lý kỷ luật thì không đúng. Vì người đó không còn là công chức, không còn trong cơ quan, đơn vị đó nữa. Nên bỏ quy định này.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua báo cáo xử lý cán bộ hàng năm, đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp với lực lượng vũ trang. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm để có quy định mang tính khả thi về hình thức giáng chức.

Về việc xử lý đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mà có vi phạm trong thời gian đương chức, Bộ trưởng cho biết, luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu.

Liên quan đến quy định tuyển dụng đối với người có tài năng, nhiều đại biểu cho rằng, việc giao quy định như dự thảo sẽ khiến cho nhiều cơ quan cùng ban hành chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng dẫn đến việc áp dụng thiếu đồng bộ thống nhất. Hơn nữa quy định về chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng phải là quy định mang tính chất quy phạm. Do đó, các đại biểu cũng đề nghị luật cần có khái niệm thế nào là người có tài năng và Chính phủ quy định tiêu chí để thu hút người có tài năng và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), nhân tài là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong xã hội và có nhiều quan điểm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào xác định rõ ràng thống nhất về khái niệm nhân tài. Đại biểu đề nghị cần luật hóa những quan điểm, tư tưởng về nhân tài và phải bổ sung vào điều 6 dự thảo Luật và có quy định về tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, có căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo bồi dưỡng nhân tài.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình xây dựng luật , Báo cáo thẩm tra, cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung khác để có quy định phù hợp như vấn đề liên thông trong công tác cán bộ, vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý hơn, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Các nội dung liên quan đến quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, khái niệm tiêu chí đánh giá về người có tài năng, làm rõ thời hiệu và các vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý đối với việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu, cho thôi việc hoặc chuyển công tác; vấn đề kiểm định chất lượng đầu vào của tuyển chọn công chức…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc hơn các nghị quyết của Đảng, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang đặt ra hiện nay; cần có đánh giá tác động của những chính sách mới kỹ hơn, toàn hiện hơn./.

Nguồn: dangcongsan.vn