Lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc nuối và lo ngại trước nguy cơ căng thẳng leo thang sau khi Iran, ngày 8/5 tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: aa.com.tr)


Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này. Ngày 8/5, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq dẫn lời ông Guterres khẳng định người đứng đầu Liên hợp quốc coi bản thỏa thuận hạt nhân Iran – còn được biết đến với tên gọi bản Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là một thành tựu lớn trong mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và lĩnh vực ngoại giao, có đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới.

Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại London, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành tựu vô cùng quan trọng của nền ngoại giao phương Tây. “Nếu Iran giữ vững cam kết thì chúng ta cũng sẽ hành động tương tự” – ông Hunt nói, đồng thời tin tưởng rằng vẫn còn thời hạn 60 ngày phía trước để tháo gỡ tình thế bế tắc hiện nay.

Ngoại trưởng Anh chỉ ra rằng, nền kinh tế của Iran đang có dấu hiệu chững lại và đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này sau khi rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân vào năm ngoái. Bên cạnh đó, ông Hunt đã đưa ra cảnh báo về “những hậu quả thực sự” nếu như Iran cũng đi theo quyết định trên của Mỹ. Theo quan điểm của đại diện ngoại giao Anh thì kịch bản này chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai và thời điểm Iran quay trở lại con đường phát triển hạt nhân cũng có thể sẽ khiến các nước láng giềng đưa ra những hành động tương ứng.

Phát biểu trên hãng truyền thông BFMTV, Ngoại trưởng Pháp Florence Parly cho rằng, không điều gì có thể tồi tệ hơn việc Iran rút khỏi JCPOA. Ông cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về lời cảnh báo của Iran nhằm tăng mức làm giàu uranium, đồng thời dự báo về việc các biện pháp trừng phạt mới sẽ được đưa ra nếu như Iran không tôn trọng bản thỏa thuận hạt nhân này.

Về phía Đức cũng bày tỏ quan điểm giữ vững bản thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và kêu gọi các bên tránh hành động làm gia tăng căng thẳng. Trong một tuyên bố mới đưa ra, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: “Chúng tôi đã nắm được thông tin do phía Iran đưa ra cùng với một sự quan ngại sâu sắc và chúng tôi sẽ theo sát vấn đề này một cách chặt chẽ”. Ông Maas bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về lời cảnh báo của Iran nhằm tăng mức làm giàu uranium, đồng thời dự báo về việc các biện pháp trừng phạt mới sẽ được đưa ra nếu như Iran không tôn trọng bản thỏa thuận hạt nhân này.

Hoạt động bên trong cơ sở hạt nhân Isfahan thuộc miền Trung Iran, năm 2007. (Ảnh: UPI)

Trong cuộc gặp gỡ người đồng cấp Iran Javad Zarif tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đổ lỗi cho Mỹ là nguyên nhân dẫn tới quyết định của Iran. Theo quan điểm của ông Lavrov, thì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở hoạt động của các doanh nghiệp phương Tây tại Iran cũng như lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran và đã làm tổn hại tinh thần của bản thỏa thuận.

Ông Lavrov khẳng định Nga và Iran sẽ tiếp tục phối hợp với các nước còn lại tham gia JCPOA để có thể tôn trọng các nghĩa vụ trong bản thỏa thuận này, ngay cả khi Mỹ không quay trở lại bàn đàm phán.

Trong khi đó, ông Zarif khẳng định việc Iran rút một phần khỏi các điều khoản nhất định trong JCPOA không vi phạm tinh thần của bản thỏa thuận này. Đại diện ngoại giao Iran tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ của mình trong JCPOA nếu như các nước châu Âu tham gia ký kết cũng tôn trọng bổn phận của họ.

Tại vòng đàm phán ở Vienna (Áo), năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đã ký kết thỏa thuận hạt nhân, đề cập tới những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt trong các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài từ Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo nguy cơ rút khỏi thỏa thuận này trong vòng 60 ngày nếu như các lợi ích của Tehran không được bảo đảm. Động thái này được Iran đưa ra tròn 1 năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.

Ngay trong ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phản ứng tức thời bằng việc ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran gồm lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. 

Nguồn: dangcongsan.vn