Hưng Yên phát triển lưới điện trung áp, hạ áp

Hợp phần quy hoạch chi tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm biến áp (TBA) 110kV thuộc đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 với mục tiêu phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy; hoàn thiện hệ thống lưới điện, giảm bán kính cấp điện và giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp. Thực hiện mục tiêu trên, ngành Điện trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp trong đầu tư, sửa chữa hệ thống lưới điện.

Công nhân Công ty Điện lực Hưng Yên kiểm tra vận hành trạm biến áp

Theo quy hoạch phát triển chi tiết lưới điện trung áp, hạ áp sau các TBA 110kV giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, khối lượng xây dựng lưới điện trung áp giai đoạn 2016 – 2020 được quy hoạch xây dựng mới 318 TBA 35/0,4kV với tổng công suất là 124.870kVA; 528 TBA 22/0,4kV với tổng công suất 387.940kV, 258km đường dây 35kV, 373km đường dây 22kV; cải tạo, nâng công suất 191 TBA với tổng công suất 46.715kVA, 307km đường dây trung áp. Giai đoạn 2021 – 2025 xây dựng mới 313 TBA 35/0,4kV, với tổng công suất 132.660kVA, 606 TBA 22/0,4kV với tổng công suất 488.560kVA, 146km đường dây 35kV, 339 km đường dây 22kV; cải tạo, nâng công suất 66 TBA với tổng công suất 18.955 kVA, 152 km đường dây trung áp. Khối lượng lưới điện hạ áp giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng mới 2.397km, cải tạo 639km đường dây hạ áp; lắp mới 36.968 công tơ 1 pha. Giai đoạn 2021 – 2025 xây dựng mới 1.974km, cải tạo 509 km đường dây hạ áp; lắp mới 30.957 công tơ 1 pha. Năng lượng tái tạo, giai đoạn 2016 – 2025 xem xét đầu tư xây dựng 1 nhà điện đốt rác với tổng công suất 10MW tại khu xử lý Đại Đồng (Văn Lâm).  Giai đoạn 2026 – 2035 xem xét đầu tư xây dựng 2 nhà điện đốt rác với tổng công suất 20MW tại các khu xử lý rác Vũ Xá (Kim Động), Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ). Xem xét ứng dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối tại các khu vực có tiềm năng… 

Theo tính toán, tổng nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng và cải tạo lưới điện trung và hạ áp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện trung áp là hơn 3,16 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện hạ áp là hơn 2,31 nghìn tỷ đồng. Cơ chế huy động vốn đầu tư được thực hiện gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hưng Yên đầu tư lưới điện 110kV, lưới điện trung áp, hạ áp đến công tơ. Đối với khách hàng là khu công nghiệp, du lịch, đô thị, dịch vụ, khu chung cư, dân cư… ngành Điện sẽ đầu tư đến chân hàng rào công trình. Đường dây ra sau công tơ cấp điện đến từng hộ do vốn của khách hàng đầu tư. Ngoài ra, lưới điện hạ áp sẽ được huy động một phần từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để từng bước thực hiện quy hoạch trên, ông Phạm Như Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: Đối với hệ thống lưới điện trung áp, công ty phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cải tạo nâng điện áp lưới 10kV lên vận hành ở các cấp điện áp 35 hoặc 22kV. Toàn tỉnh chỉ còn vận hành ở 2 cấp điện áp 35kV và 22kV, trong đó lưới điện 35kV chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn, lưới điện 22kV ưu tiên phát triển ở các khu đô thị và khu công nghiệp. Khu vực thành phố Hưng Yên sẽ chuyển dần cấp điện áp 35kV về vận hành ở cấp điện áp 22kV và tiến hành ngầm hóa phần đường dây trung áp, hạ áp. Đến năm 2020, dự kiến chuyển toàn bộ lưới điện 35kV ở khu vực nội thị của thành phố xuống vận hành ở cấp điện áp 22kV và hạ ngầm toàn bộ lưới điện trung áp, hạ áp. Đến năm 2025, sẽ chuyển toàn bộ lưới điện 35kV khu vực ngoại thị thành phố xuống vận hành ở cấp điện áp 22kV và xem xét hạ ngầm phần lưới điện trung áp, hạ áp ở khu vực ngoại thị thành phố để tạo sự đồng bộ hạ tầng lưới điện của Khu đại học Phố Hiến và các khu đô thị khác trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc triển khai quy hoạch phát triển lưới điện, trong định hướng phát triển lưới điện của tỉnh, lưới điện phân phối phải gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của vùng và của từng địa phương trong vùng, bảo đảm chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao. Phát triển lưới điện phân phối phù hợp với lưới điện truyền tải 220kV và 110kV; hoàn thiện mạng lưới điện khu vực nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng. Từng bước hiện đại hóa lưới điện, cải tạo, nâng cấp các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và tự động hóa của lưới điện.

Nguồn: baohungyen.vn