Rau xanh khan hiếm, tăng giá

Hiện nay, nhiều loại rau xanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh khan hiếm và tăng giá cao. 

Rau xanh tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, lượng hàng cũng khan hiếm
Rau xanh tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, lượng hàng cũng khan hiếm

Vừa qua, chị Nguyễn Thị Điệp ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) tổ chức đám cưới cho con trai. Khi thanh toán chi phí thực phẩm, chị “giật mình” giá các loại rau xanh tăng vọt. Chị Điệp cho biết: “Nhà có cỗ nên tôi đặt mua bí xanh, đậu cove, ớt chuông và các loại rau thơm. Khi đặt hàng thương lái đã thông báo trước là giá rau xanh đợt này tăng mạnh nhưng khi nhận hóa đơn tôi cũng không ngờ là đắt như vậy. Chi phí rau xanh cũng hết trên 10 triệu đồng cho 60 mâm cỗ”. 

Hơn nửa tháng nay, giá rau xanh đột ngột tăng mạnh đã khiến nhiều người nội trợ khi đi chợ không khỏi “giật mình”. 

Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ đầu tháng 2 âm lịch đến nay, đi chợ mua rau mà chóng hết cả mặt vì giá cả. Cách đây khoảng gần một tháng, đi chợ rau có giá rất phải chăng, còn bây giờ giá các loại rau đều tăng cao, rau cải các loại 7.000 đồng/bó, cải bắp 12.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg... Trung bình, tôi phải chi mất 10.000 – 15.000 đồng tiền rau mới đủ cho một bữa ăn của gia đình 4 người”.

Theo chị Phạm Thị Nga, một tiểu thương ở chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) thì hơn một tuần nay, mỗi ngày chị nhập hàng rau củ có một giá. Những ngày “tốt” có nhiều đám cưới hỏi thì giá đã rau củ vốn đã đắt lại càng đắt hơn, mà lượng hàng cũng khan hiếm hơn. 

Theo khảo sát của phóng viên, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh như chợ Trần Cao (Phù Cừ), chợ chiều thị trấn Vương (Tiên Lữ), chợ Gạo (thành phố Hưng Yên)…, hiện giá các loại rau xanh tăng phổ biến từ 40% - 60%, thậm chí một số loại rau xanh đầu vụ hè như rau ngót, rau muống, rau đay… có giá gấp đôi rau vụ đông. 

Cô Mừng, tiểu thương bán rau tại thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết: “Giá tất cả các loại rau xanh đều tăng mạnh trong vài ngày trở lại đây. Các mối hàng chuyên “đổ” buôn rau cũng giảm mạnh. Rau xanh đắt nhưng cũng không có nhiều hàng để bán. Khách lấy số lượng lớn hoặc nhà hàng, quán ăn phải đặt hàng trước mới có đủ số lượng”.

Tại các chợ đầu mối, mặc dù giá bán buôn rẻ hơn so với các chợ lẻ nhưng giá các loại rau xanh vẫn tăng mạnh so với hồi tháng trước. 

Anh Đào Đức Tuấn, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Đông Tảo (Khoái Châu) cho biết: “Những ngày vừa qua lượng rau, củ, quả bán ra tại chợ giảm khoảng 40 - 50% so với thời điểm tháng một âm lịch. Giá bán các loại rau, củ, quả đã tăng từ 40% trở lên tùy từng loại. Nguyên nhân là thời tiết giao mùa kèm các đợt không khí lạnh khiến tốc độ sinh trưởng của rau màu bị ảnh hưởng, nông dân thu hoạch ít hơn…”.

 Trên cánh đồng chuyên canh rau màu của xã Yên Phú (Yên Mỹ), nông dân đang tất bật chăm sóc các loại rau, quả. Anh Nguyễn Văn Quy, một nông dân cho biết: “Do thời tiết giao mùa nên rau chậm lớn hơn chính vụ. Hiện nay giá rau xanh bán tại ruộng đã tăng trung bình 50% so với trước đó, tuy nhiên cũng không có nhiều rau để bán”.

Xã Yên Phú hiện có khoảng 300ha rau màu. Ông Nguyễn Duy Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phú cho biết: “Từ đầu tháng 2 âm lịch, giá rau xanh trên địa bàn xã tăng mạnh. Thời điểm này, giá bán buôn các loại rau cải dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; cải bắp 10.000 – 12.000 đồng/kg; cà chua 15.000 – 16.000 đồng/kg…”.

Nông dân xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) tích cực chăm sóc cây cà chua
Nông dân xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) tích cực chăm sóc cây cà chua

Tại cánh đồng thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), cô Trần Thị Thắm đang cẩn thận thu hoạch những quả cà chua cuối vụ. Thông thường ruộng cà chua trồng vụ sớm sẽ cho thu hoạch đến hết tháng 3 âm lịch nhưng hiện nay cây đã không phát triển ngọn được nữa, mưa rét, sâu bệnh làm cho ngọn cà chua xoăn lại, chùm hoa nhỏ, tỷ lệ hoa bị cháy, táp sương nhiều, khả năng cây cho thu hoạch đến tháng 2 âm lịch là hết quả. 

Cô Thắm cho biết: “Những ngày gần đây, do trời rét kèm theo mưa phùn nên rau tăng trưởng rất chậm làm kéo dài thời gian thu hoạch. Các loại rau ăn lá cũng thu hoạch muộn hơn so với bình thường từ 10 - 15 ngày”.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay diện tích trồng rau màu trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.000ha. Thời điểm giao mùa, các loại rau màu như cây cà chua, bí, dưa chuột, các loại rau ăn lá… dễ mắc bệnh… Nông dân cần tích cực chăm bón, theo dõi thời tiết thuận lợi để xuống giống lứa mới...

Nguồn: baohungyen.vn