Hưng Yên: Sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi

Năm 2018, toàn tỉnh sản xuất được hơn 41 nghìn tấn thủy sản các loại, trong đó chủ yếu là các loại cá thương phẩm, tăng trên 5% so với năm 2017.

Sản phẩm thủy sản ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, nhất là trong khoảng 1 năm trở lại đây, giá bán thủy sản thương phẩm tăng và ổn định, thị trường tiêu thụ rộng rãi cả trong và ngoài tỉnh. Việc sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi đã khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả để sản xuất thủy sản bền vững và đem lại nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Với hơn 5,6 nghìn ha diện tích mặt nước đang được sử dụng nuôi thả thủy sản trong toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là thâm canh và bán thâm canh, nếu có thể phát triển theo hướng an toàn, liên kết sẽ mở ra triển vọng lớn hơn nữa cho ngành thủy sản của tỉnh. 
Mô
Mô hình sản xuất thủy sản chất lượng cao tại huyện Mỹ Hào
 
Đi đầu trong việc sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi chính là các mô hình sản xuất, kinh doanh thủy sản theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, việc sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi; liên kết và áp dụng quy trình Vietgahp đang thu hút trên 10 mô hình thực hiện có hiệu quả. Ông Đỗ Ngọc Quyền, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản sạch Hưng Hải (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: “Nếu như nuôi thủy sản truyền thống trước đây là mô hình độc lập của mỗi cá nhân, gia đình, tự sản xuất và tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, phụ thuộc vào giá cả thị trường, thì sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giúp người sản xuất giải quyết được hầu hết những hạn chế đó. Hợp tác xã có trên 50 lồng nuôi cá thương phẩm chất lượng cao trên sông Hồng, hiện chúng tôi đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất giữa các thành viên; liên kết với đơn vị cung ứng giống và sản xuất thức ăn thủy sản; liên kết với các đơn vị, cá nhân tiêu thụ thủy sản với số lượng lớn và ổn định. Nhờ đó chúng tôi yên tâm sản xuất thâm canh quanh năm, yên tâm khâu đầu vào, đầu ra và giá xuất bán”. Hiện nay hợp tác xã đã triển khai việc chế biến và kinh doanh sản phẩm thủy sản an toàn đến tay người tiêu dùng với các loại sản phẩm như: Cá lăng cắt khúc, chả cá, cá tươi sơ chế… được thị trường đánh giá cao. 
 
Nhằm hỗ trợ việc sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi, năm 2018, tỉnh đã thực hiện một số mô hình thiết thực như: Hỗ trợ mô hình sản xuất; hỗ trợ kinh doanh và tiêu thụ… Trong đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã triển khai mô hình "Hỗ trợ mô hình nuôi thâm canh cá thịt thương phẩm theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt năng suất cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm". Trực tiếp tham gia mô hình, anh Trần Văn Hưng (xã Quang Hưng, Phù Cừ) thành viên của Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát cho biết: “Sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới, quá trình sản xuất hiện đại, năng suất trung bình đạt 17 tấn/ha, tỷ lệ sống của cá tăng hơn 10 -15%; tiêu tốn thức ăn giảm 8 -10%; giảm lượng thuốc dùng để phòng bệnh cho cá 7-10%; giá bán cá thương phẩm tăng khoảng 15 - 20%”. 
 
Hiện nay, Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát đã ký hợp đồng với Trung tâm tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH giống thủy sản Cường Dung cung cấp cá giống cho các hộ thành viên; ký hợp đồng với Công ty TNHH giống thủy sản Cường Dung (Bắc Ninh); liên kết với cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện cung cấp thức ăn cá, thuốc phòng, trị bệnh cho cá... Đồng thời, hợp tác xã đã thực hiện ký hợp đồng với đối tác tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngay từ đầu vụ, cụ thể: Hợp đồng với Công ty TNHH cá sạch Việt Nam (thành phố Hà Nội) bình quân mỗi tháng tiêu thụ 11 tấn cá thịt, giá trị từ 300 - 320 triệu đồng/tháng; hợp đồng với Tổ kinh doanh của hợp tác xã chủ động vận chuyển cá đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối thủy sản trong tỉnh và tỉnh Hải Dương với sản lượng bình quân mỗi tháng khoảng 5 - 7 tấn cá thịt, giá trị từ 120 - 150 triệu đồng/tháng. Năm 2019, hợp tác xã dự kiến đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy cấp đông để sơ chế, bảo quản cá thương phẩm đông lạnh, tiêu thụ thủy sản chế biến an toàn trong và ngoài tỉnh.
 
Hiện nay, sản xuất thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Môi trường nước ô nhiễm; chi phí đầu vào tăng cao; dịch bệnh, bấp bênh về giá cả sản phẩm khi xuất bán. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn theo chuỗi chính là lời giải đáp cho nhiều vấn đề nêu trên, giúp người sản xuất giảm bớt gánh lo, chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều mô hình khuyến khích phát triển nuôi thủy sản an toàn thực phẩm, chất lượng cao theo chuỗi giá trị như: Nuôi cá sông trong ao; nuôi cá lồng bè trên các sông lớn; chuỗi sản xuất thực phẩm thủy sản an toàn chất lượng cao… Cùng với đó, việc quy hoạch, mở rộng vùng chuyển đổi đất lúa sản suất kém hiệu quả sang nuôi thả thuỷ sản ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tạo điều kiện cho sản xuất thủy sản quy mô lớn, chất lượng cao.

Nguồn: baohungyen.vn