Quy định mới về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Ngày 22/01/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

​Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại Việt Nam.

Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES (trừ các loài thủy sản). Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc các Phụ lục CITES.

Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện việc quản lý, theo dõi và cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra vào sổ theo dõi nuôi động vật theo Mẫu số 16, sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Các cơ quan: Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Thú y, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm: Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cây nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường.

Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc xử lý các vụ vi phạm liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES theo nội dung yêu cầu của CITES.

Nghị định quy định cụ thể về Giấy phép CITES như sau: Giấy phép CITES được áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và các loài nguy cấp, quý hiếm khác. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã vạch, ký hiệu, đóng dấu của Cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam; Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm phải được ghi đầy đủ thông tin, có chữ ký, họ và tên của chủ cơ sở nuôi trồng; Giấy phép, chứng chỉ xuất khẩu và tái xuất khẩu có thời hạn hiệu lực tối đa là 06 tháng, đối với Giấy phép nhập khẩu, thời hạn này là 12 tháng; Giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES; Chứng chỉ CITES mẫu vật lưu niệm do cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp…

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES bao gồm: Đề nghị cấp giấy phép; Bản sao tài liệu chứng minh mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp; Bản sao giấy phép nhập khẩu, bản sao Bản ký kết về Chương trình hợp tác khoa học... (Nếu xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật phục vụ nghiên cứu khoa học, ngoại giao); Bản sao Quyết định cử đi tham dự triển lãm, biểu diễn, giấy mời tham dự; bản sao giấy phép nhập khẩu…(Nếu xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật nhằm mục đích triển lãm phi thương mại)…

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về việc thu hồi, hoàn trả giấy phép CITES, điều kiện nuôi, trồng động vật, thực vật thuộc các Phụ lục CITES...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/03/2019.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/03/2019 và các văn bản sau: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP,  Nghị định số 82/2006/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP, Chương IV Nghị định số 66/2016/NĐ-CP, Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT, Thông tư số 16/2007/TT-BNN, Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN hết hiệu lực kể từ ngày 10/3/2019.

Hungyen.gov.vn