Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sáng ngày 27/11, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên, cùng dự có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nhận được sự quan tâm sâu sắc trong xã hội, nhất là khu vực nông thôn.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, trong một thập niên qua, nền nông nghiệp đã tăng cả về quy mô và trình độ sản xuất. Đến năm ngoái, 1 ha đất trồng trọt đã đạt giá trị trên 90 triệu đồng. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm ngoái đạt 36,5 tỷ USD. Sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến giữa năm nay, cả nước đã có trên 3.000 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đi cùng với đó là thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần; từ hơn 9 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp từ 2,1 lần xuống 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,5% mỗi năm. Trong khi đó, hệ thống sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, thông qua, số lượng trang trại tăng mạnh đi cùng với nhiều hợp tác kiểu mới được thành lập và khoảng 8% doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào nông nghiệp.

Từ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân có tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu được đặt ra đến năm 2030, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nông nghiệp sẽ đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trong nước còn lao động nông nghiệp chiếm dưới 10% lao động xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết 26 đánh dấu một bước phát triển mới về nhận thức và quan điểm của Đảng về một trong những lĩnh vực quan trọng  - lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đã đạt được những kết quả lớn.

Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tích cực thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nỗ lực triển khai, thực hiện đưa Nghị quyết vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước những thách thức từ nội tại của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.

Về nông nghiệp, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.

Về nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Về nông dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan tiếp thu và nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X. Nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”; hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hưng Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh ta đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trương ương 7 khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện tốt các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh, đẩy nhanh tái cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất sạch, đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ nông sản, nhất là đối với vụ Cam năm 2018; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn.

Hungyen.gov.vn