Thủ tướng dự Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững

Chiều nay (5/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành kế hoạch hành

động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Sự kiện do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0", Hội nghị dự kiến có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. 

Những kiến nghị từ Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. 

Hội nghị cũng sẽ thảo luận và công bố những thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Các đại biểu tham gia Hội nghị sẽ cập nhật và chia sẻ những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững, cũng như các sáng kiến và thực tiễn tốt về kinh doanh bền vững; những giải pháp thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hướng tới việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. 

Trong phiên toàn thể diễn ra trong buổi chiều, Hội nghị sẽ nghe các báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo cải cách kinh tế và tương lai của việc làm tại Việt Nam của WB; báo cáo về hợp tác công tư thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của VCCI; báo cáo về đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Khoa học và Công nghệ; báo cáo về bài học kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của TPHCM…

Được biết, năm 2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030.

Để hiện thực hóa 17 SDG này, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Nguồn: chinhphu.vn