Thông tin về Quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải

Ngày 01/2/2013 UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 300/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch Quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, theo đó:

+ Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 512,33 tấn/ngày.

+ Tổng khối lượng CTR nông nghiệp phát sinh khoảng 4.218 tấn/ngày; làng nghề khoảng 320 tấn/ngày; trong đó gồm bao bì từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1,1 tấn/ngày.

+ Tổng khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 616 tấn/ngày, trong đó CTRCN nguy hại khoảng 77 tấn/ngày và CTRCN không nguy hại khoảng 539 tấn/ngày.

+ Tổng khối lượng CTR xây dựng phát sinh trong toàn tỉnh khoảng 73 tấn/ngày; bùn thải phát sinh ước tính khoảng 45,2 tấn/ngày.

+ Tổng khối lượng CTR y tế phát sinh khoảng 2,972 tấn/ngày; trong đó CTR y tế nguy hại là 0,446 tấn/ngày, chiếm 15% tổng lương CTR y tế phát sinh và CTR y tế không nguy hại là 2,526 tấn/ngày; lượng CTR y tế phát sinh tại thành phố Hưng Yên khá lớn, chiếm khoảng 40% tổng lượng CTR y tế phát sinh trong toàn tỉnh.

* Dự báo lượng Chất thải rắn phát sinh đến năm 2025:

Tổng khối lượng CTR phát sinh trong phạm vi toàn tỉnh khoảng 10.310 tấn/ngày, trong đó:

+ CTR sinh hoạt khoảng: 1.500,6 tấn/ngày.

+ CTR nông nghiệp khoảng: 6.240 tấn/ngày.

+ CTR công nghiệp khoảng: 2.085 tấn/ngày (bao gồm cả CTR làng nghề do sau năm 2020 tất cả các làng nghề sẽ được phát triển thành cụm công nghiệp).

+ CTR xây dựng, bùn thải khoảng: 476 tấn/ngày.

+ CTR y tế khoảng: 7,809 tấn/ngày.

Quy hoạch hệ thống xử lý CTR đến năm 2025:

Quy hoạch các khu xử lý CTR đến năm 2025:

Để đáp ứng nhu cầu xử lý CTR cho toàn tỉnh từ nay đến năm 2025, định hướng chia làm 2 giai đoạn quy hoạch:

- Giai đoạn từ nay tới 2017: Sử dụng mạng lưới các bãi thu gom, tập kết CTR quy hoạch cho các huyện để chôn lấp tạm thời CTR phát sinh tại các huyện trong giai đoạn đầu, kết hợp xử lý tại 02 bãi chôn lấp, khu xử lý tập trung hiện đang hoạt động.

- Giai đoạn dài hạn đến năm 2025: Quy hoạch các khu xử lý tập trung liên huyện trong toàn tỉnh.

          Giai đoạn từ nay tới năm 2017:

Trong thời gian từ nay tới năm 2017, để tăng cường tỷ lệ thu gom và xử lý CTR, đề xuất quy hoạch xử lý CTR cho các huyện như sau:

- Đối với các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào: Có khoảng cách tới khu xử lý Đại Đồng tương đối gần, vì vậy để đảm bảo CTR được thu gom, xử lý trong vòng 48 giờ sau khi phát sinh, đề xuất chuyển chức năng các bãi chôn lấp quy mô thôn, xã đã được xây dựng thành các điểm trung chuyển CTR cho huyện. CTR sau khi thu gom sẽ chuyển đến các điểm trung chuyển sau đó đưa về Khu xử lý Đại Đồng.

- Đối với các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ hiện chưa có khu xử lý tập trung, do đó kiến nghị lựa chọn một số bãi chôn lấp cấp xã hiện đang hoạt động để xử lý CTR tạm thời từ nay đến khi xây dựng xong các khu xử lý tập trung nhằm hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xây dựng xong các khu xử lý tập trung, các điểm này sẽ chuyển thành các bãi thu gom, tập kết và trung chuyển CTR cho các huyện.

- Đối với thành phố Hưng Yên: CTR sau khi thu gom sẽ được chuyển đến xử lý tại bãi chôn lấp phường An Tảo.

 Giai đoạn dài hạn tới năm 2025:

- Đối với CTR sinh hoạt đô thị, nông thôn, CTR không nguy hại phát sinh từ các làng nghề, CTR công nghiệp không nguy hại và CTR xây dựng: Xây dựng 4 khu xử lý với bán kính phục vụ của khu xử lý CTR trong khoảng từ 20 - 30km.

- Đối với CTR nguy hại phát sinh từ làng nghề, hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp: Đề xuất quy hoạch 2 khu xử lý CTR công nghiệp và chất thải nguy hại cho toàn tỉnh.

- CTR y tế: Áp dụng công nghệ không đốt, như lò hấp khử khuẩn, máy hủy kim tiêm … xử lý ngay tại bệnh viện. Đối với các bệnh viện chưa được đầu tư xử lý theo công nghệ không đốt sẽ kéo dài thời gian sử dụng lò đốt đến năm 2020.

2. Thông tin về quy hoạch thu gom, xử lý chất thải lỏng, các nguồn thải về chất thải lỏng: Chưa có quy hoạch.

3. Thông tin về quy hoạch thu gom, xử lý khí thải, các nguồn thải về khí thải: Chưa có quy hoạch.

4. Các loại chất có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường: Chưa có điều tra đánh giá cụ thể cho từng chất.

5. Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái:

- Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh huyện Văn Lâm.

- Làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm.

- Bãi rác xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào.

Nội dung chi tiết Quyết định 300/QĐ-UBND

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường