Chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa xuân

Đăng ngày 27 - 02 - 2023
Lượt xem:
100%

Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 25,1 nghìn ha; đến ngày 23/2, nông dân một số địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại.

 

Nông dân huyện Tiên Lữ bón phân chăm sóc lúa xuân
 

Đến ngày 23/2, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân, một số địa phương có tiến độ gieo cấy chậm đang tích cực đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích trong tháng 2. Như vậy, với kế hoạch lịch thời vụ phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trong tháng 2 và chậm nhất không quá ngày 5/3 sẽ được các địa phương thực hiện đúng kế hoạch; toàn bộ diện tích lúa xuân được gieo cấy bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ. Ở các địa phương sau khi hoàn thành gieo cấy, nông dân tập trung bón phân, bắt diệt ốc bươu vàng, diệt chuột gây hại. Đến ngày 23/2, nông dân chăm sóc lúa đợt 1 được hơn 10 nghìn ha; tổ chức diệt chuột đợt 1 được hơn 2,3 triệu con. 

Diễn biến bất thường của thời tiết là điều kiện để sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa. Vì vậy, các địa phương và nông dân cần tăng cường theo dõi và làm tốt công tác dự tính, dự báo sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh để chủ động ngăn chặn, phòng trừ. Trên đồng ruộng của huyện Ân Thi, nông dân đang tập trung tiến hành tỉa dặm, cấy bổ sung những diện tích lúa bị chết, cấy thưa, chuột cắn hại; huy động máy bơm điện, bơm dầu chủ động bơm nước để dưỡng lúa, tập trung chăm sóc và triển khai diệt chuột, diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân. Sản xuất vụ xuân năm nay gặp khó khăn do thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ cho công tác điều tiết nước, lấy nước đổ ải và gieo cấy lúa. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã triển khai các biện pháp chống hạn nhằm bảo đảm đủ nước phục vụ đổ ải và gieo cấy lúa xuân theo đúng lịch và trong khung thời vụ tốt nhất; kết thúc thời vụ, toàn huyện gieo cấy được trên 6,8 nghìn ha. Đến ngày 23/2, nông dân trong huyện chăm sóc lúa lần 1 được hơn 4 nghìn ha, đồng thời, tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng gây hại. 

Cùng với đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2, cán bộ chuyên môn của huyện Tiên Lữ tập trung tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích lúa mới gieo cấy như: Trên những diện tích gieo cấy sớm, khi lúa đã bén rễ hồi xanh nếu chưa bón thúc phải khẩn trương tiến hành tỉa dặm bảo đảm đúng mật độ, đồng thời bón thúc sớm, bón đủ lượng bằng phân NPK tổng hợp theo nhu cầu của từng giống lúa và quy trình của từng loại phân bón khi thời tiết ấm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Đối với các giống lúa lai, sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng kali cao để bón, lượng bón cao hơn so với lúa thuần khoảng 10% tổng lượng của một lần bón để bảo đảm nhu cầu. Những diện tích lúa mới cấy, lúa chưa bén rễ hồi xanh phải chủ động bón thúc và dặm tỉa ổn định mật độ ngay khi cây lúa hồi xanh. Đối với những chân ruộng trũng, đất chua, có nhiều rong rêu, những diện tích bị vàng lá, nghẹt rễ sinh lý, cây lúa chậm sinh trưởng phải bón bổ sung thêm 20 - 30kg vôi bột/sào để khử chua, diệt rong rêu. Giữ mực nước từ 1 - 3cm kết hợp với làm cỏ sục bùn tạo bộ rễ thông thoáng để hút dinh dưỡng (kể cả những trường hợp đã phun thuốc trừ cỏ); sử dụng phân bón qua lá chuyên dùng cho lúa, loại kích thích rễ để phun, khi cây lúa hồi phục mới tiến hành bón thúc. Điều tiết nước hợp lý theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa, thường xuyên giữ mực nước láng mặt ruộng từ 1 đến 3cm, không để ruộng lúa bị hạn hoặc ngập úng cục bộ.

Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ, khuyến cáo nông dân tập trung diệt chuột. Theo dõi chặt chẽ ốc bươu vàng trên đồng ruộng trước và sau gieo cấy, nơi xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ cao cần phòng trừ bằng biện pháp bắt thủ công hoặc dùng thuốc trừ ốc như Amani 70WP, Clodansuper 700 WP, Chopper 700 WP... Thuốc trừ ốc bươu vàng rất độc với tôm, cua, cá nên không rút nước xuống ao, hồ sau khi dùng thuốc. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trên lúa an toàn, hiệu quả bằng các thuốc có chứa hoạt chất an toàn như: Thuốc trừ cỏ tiền này mầm (Sofit 300 EC; Prefit 300EC), thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (Acenidax 17WP, sunrice 15WDG, Quinix 32WP) theo liều lượng, thời gian được khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất. Không sử dụng thuốc trừ cỏ trong điều kiện thời tiết rét, nhiệt độ dưới 150C. Những ruộng bị nghẹt rễ cần áp dụng biện pháp như làm cỏ sục bùn, phun thuốc kích rễ (khi thời tiết ấm), bón vôi bột cho những ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ... để cây lúa nhanh phục hồi và phát triển tốt.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
136 người đang online