Chuyển đổi số trong hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

Đăng ngày 14 - 09 - 2022
Lượt xem:
100%

Đối với lĩnh vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, giúp cho HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Đây là cơ hội cho HTX chuyển mình, phát triển bền vững.

HTX chăn nuôi gà Đông Tảo Tiến Thắng, xã Bình Kiều (Khoái Châu) ứng dụng công nghệ cao
 

HTX chăn nuôi gà Đông Tảo Tiến Thắng, xã Bình Kiều (Khoái Châu) được thành lập năm 2020. Khởi đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên HTX đã tận dụng không gian mạng để phát triển việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Tiến Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Bên cạnh giao, bán cho các thương lái, HTX đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua facebook, zalo. Cũng nhờ tận dụng tốt hình thức này, 2 năm qua, hoạt động của HTX vẫn ổn định trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Hiện nay, mỗi tháng HTX xuất bán 9 - 10 vạn con giống, trong đó 30% số lượng con giống được bán cho khách hàng qua mạng xã hội.

Nhờ nhanh nhạy chuyển đổi số, HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú, xã Phú Thịnh (Kim Động) không chỉ xây dựng được thương hiệu sản phẩm nấm sạch mà còn đưa tên tuổi của HTX vươn xa. Để tạo ra các sản phẩm nấm sạch, HTX đã đầu tư máy móc, nhà xưởng trồng nấm theo quy trình VietGAP và lắp đặt hệ thống camera theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất. Sản phẩm được đóng hộp và có mã QR-code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm nấm của HTX đã chinh phục được thị trường. HTX còn đẩy mạnh kinh doanh trên trang website của HTX, facebook, zalo cá nhân. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của HTX được nhiều khách hàng biết đến.

Để giúp các HTX tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao; đào tạo, tập huấn cho chủ trang trại, các HTX về kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng trực tuyến, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục PTNT đã xây dựng trang tin OCOP tỉnh Hưng Yên tại địa chỉ http://ocophungyen.vn nhằm giới thiệu thông tin về các sản phẩm OCOP; triển khai đưa vào vận hành hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp tại địa chỉ https://quanlyhtxnongnghiep.gov.vn. Qua đó, từng bước tạo điều kiện thúc đẩy các HTX tham gia chuyển đổi số. 

Toàn tỉnh hiện nay có 350 HTX nông nghiệp. Song song với hoạt động đưa sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử, các HTX trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã và đang từng bước chuyển đổi số, coi đây là “chìa khóa” giúp HTX hoạt động bền vững. Các HTX đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động như: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, lắp đặt hệ thống camera giám sát, ứng dụng hệ thống cảm biến (Sensor); ứng dụng phần mềm kế toán phục vụ báo cáo thuế; gắn mã QR –code sản phẩm; chủ động xây dựng trang thông tin riêng để giới thiệu sản phẩm… Việc triển khai các giải pháp “số hóa” này đã mở thêm cơ hội giúp các HTX tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 52 HTX ứng dụng công nghệ cao; 45 HTX ứng dụng hệ thống camera giám sát; 9 HTX ứng dụng hệ thống cảm biến (Sensor); 46 HTX tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử truy xuất nguồn gốc; 32 HTX có sản phẩm OCOP được niêm yết thông tin trên trang tin OCOP tỉnh Hưng Yên…

Thực tế cho thấy, tham gia chuyển đổi số, bước đầu đã giúp các HTX mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ HTX sử dụng thành thạo thông tin, kết nối nhóm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao; năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế… Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: Để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số, thời gian tới, chi cục tăng cường tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho HTX, hỗ trợ nguồn lực để HTX thực hiện chuyển đổi số như: Trang thiết bị, máy móc hiện đại và tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng đưa sản phẩm của các HTX lên sàn thương mại điện tử lớn; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng hiện đại, bền vững.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
197 người đang online