Hưng Yên: Khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của hậu quả mưa úng

Đăng ngày 27 - 09 - 2021
Lượt xem:
100%

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và khu dân cư.

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ 5 giờ ngày 24.9 đến 6 giờ ngày 26.9, lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh đạt trên 168mm; trong đó các huyện có tổng lượng mưa lớn như Ân Thi 278 ly, Tiên Lữ 200mm, Phù Cừ 204mm, thành phố Hưng Yên 242mm… Mưa lớn đã làm hàng nghìn ha lúa mùa, cây ăn quả, rau màu ở nhiều địa phương bị ngập úng; trong đó có 904 ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị đổ gãy, dập nát…

 

Nông dân xã Nhân La (Kim Động) tập trung khắc phục mưa úng cho rau màu vụ động

Huyện Văn Giang với lượng mưa đo được từ ngày 24 - 26.9 đạt 109mm, mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây ngập úng nhiều diện tích rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến ngày 26.9, toàn huyện có 567ha cây trồng bị ngập úng cục bộ, nhiều diện tích rau màu vùng đất bãi bị dập nát. Tại các xã Liên Nghĩa, Phụng Công có hàng chục ha cây ăn quả bị thiệt hại do mưa kéo dài trong những ngày qua. Một số diện tích cam Vinh, cam Đường canh, quất đã có hiện tượng bị rụng và nứt quả. Sau khi ngớt mưa, nước rút, các hộ có diện tích bị ngập đang tập trung đào rãnh hạ thấp mực nước ngầm nhằm hạn chế rễ cây bị hỏng, vun xới gốc cây. 

Trong đợt mưa này, thành phố Hưng Yên có lượng mưa đo được đạt 242mm. Mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng nhiều khu dân cư, đặc biệt, có 240ha cây ăn quả, rau màu bị đổ, một số diện tích có nguy cơ mất trắng. Bà Nguyễn Thanh Hằng, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa có hơn 5 sào trồng ngô và rau xanh vụ đông bị dập nát. Bà Hằng cho biết: “Mưa lớn kéo dài làm đất trôi màu, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây. Hiện nay, tôi tập trung khơi rãnh, vun luống cao để hạn chế ngập úng; sau khi hết mưa tiến hành dọn những cây bị dập, héo, xới xáo mặt luống, đồng thời trồng dặm bổ sung cho những diện tích rau màu bị hỏng. Trên các cánh đồng trồng rau màu của thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, hàng chục mẫu cà chua, rau cải, hành… bị dập nát, thiệt hại không nhỏ đối với nông dân”. 
Tại các vùng trồng cây ăn quả, rau màu của huyện Khoái Châu, nông dân đang khẩn trương thu dọn những cây bị đổ, héo, dập nát, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, khơi thông rãnh thoát nước để đề phòng diễn biến của mưa úng những ngày tiếp theo. Trong đợt mưa úng này, lượng mưa trên địa bàn huyện đo được đạt 132mm, gây ngập úng và ảnh hưởng đến năng suất của hơn 1.083ha rau màu, cây ăn quả, lúa mùa. 

 

Trạm bơm Hòa Đam 1 (thị xã Mỹ Hào) bơm tiêu úng


Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Với lượng mưa lớn và kéo dài, từ ngày 24.9, các xí nghiệp thuộc công ty đã vận hành 37 trạm bơm với 153 tổ máy thực hiện bơm tiêu úng. Đến ngày 26.9, những diện tích trũng cơ bản đã được bơm tiêu; một số diện tích rau màu, cây ăn quả bị ngập úng sinh lý đã được bơm tiêu thoát nước kịp thời. Tuy nhiên, việc bơm tiêu úng đang gặp nhiều khó khăn, nước trong khu dân cư dồn ra các sông ngòi làm mực nước trên các hệ thống sông cao hơn mực nước trong đồng, không thể tiêu tự chảy, do vậy các trạm bơm cần chủ động bơm tiêu. Mực nước trên các hệ thống sông cao, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, đặc biệt là các cống qua đê, chủ động hoành triệt cống tránh hiện tượng nước chảy vào trong đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các diện tích cây ăn quả, rau màu, lúa mùa bị ảnh hưởng của mưa úng, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng các biện pháp như: Sau khi rút hết nước trên các chân ruộng, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch lá úa, thân cây chết, rửa sạch bộ lá để giúp cây quang hợp tốt, không bón phân cho cây khi nước mới cạn. Khi mưa tạnh, mặt ruộng đã se tiến hành xới xáo phá váng để tạo độ thông thoáng dưới gốc giúp cây nhanh hồi phục. Khi cây đã hồi xanh, bắt đầu ra lá, lộc mới hoặc phát triển rễ mới tiến hành chăm sóc. Ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ sinh học hoặc phân NPK, đồng thời sử dụng thêm phân bón qua lá; tăng cường công tác điều tra, phát hiện và phòng, trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại. Đối với diện tích lúa mùa bị đổ mà chưa đến thời điểm thu hoạch, cần buộc dựng ngay, những diện tích lúa bị đổ nhưng đã chín khoảng trên 85% số hạt/bông, cần khẩn trương thu hoạch. 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Để hạn chế thiệt hại đến sản xuất, các ngành liên quan, địa phương và Nhân dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa úng. Các đơn vị thủy nông cần chủ động công tác trực gác, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2024(12/04/2024 2:09 CH)

Xã Liên Nghĩa đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(12/04/2024 8:16 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025...(10/04/2024 8:11 SA)

°
82 người đang online