Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đăng ngày 31 - 05 - 2021
Lượt xem:
100%

Ngày 28.5, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về chương trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030...

Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, Hưng Yên đã chuyển đổi được 9.700ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; xây dựng được trên 500 mô hình cánh đồng lớn, 2.188ha sản xuất theo hướng VietGAP. Với việc tích cực ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hàng hóa và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong sản xuất nông nghiệp phù hợp, nên đến năm 2020, giá trị thu trên 1héc-ta canh tác trung bình trong toàn tỉnh đạt trên 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Nuôi trồng thủy sản cho sản lượng tăng 31,5% so với năm 2016.

Về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỉnh Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 38 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh ngày càng được cải thiện...

Tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 là gần 53 nghìn tỷ đồng...

Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 2 – 2,5%/năm; giá trị thu bình quân trên 1 héc-ta canh tác đạt trên 250 triệu đồng. Phấn đấu có 55 – 60 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 25 – 30 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hỗ trợ thành lập mới 80 HTX nông nghiệp, 700 tổ hợp tác; có trên 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến năm 2030, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020; xây dựng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu… 

Để thực hiện mục tiêu trên cần tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 78 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp, thuỷ sản khoảng 5.500 tỷ đồng; vốn đầu tư cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu khoảng gần 72.500 tỷ.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản cho rằng việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong giai đoạn vừa qua đã góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, đưa tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh mẽ. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn tới, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp cần khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để xây dựng chương trình, đề án; đề ra những giải pháp cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên ha canh tác; có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng bãi. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các ngành liên quan đề ra những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nước thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải; giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải, nước thải chăn nuôi trong khu dân cư. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp… 

* Làm việc với ban lãnh đạo Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh (thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ), đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Để cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả cao thì điều thiết yếu là cần giống cây, con tốt. Bên cạnh đó, Trung tâm cần bảo tồn và nhân rộng những giống cây cho năng suất, chất lượng cao như cây nhãn, vải trứng để cung cấp cây, con giống không chỉ cho người nông dân trong tỉnh mà còn quảng bá, cung cấp cho nông dân các tỉnh, thành phố khác…

Được biết Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh hiện đang chủ trì thực hiện các dự án: Duy trì, chọn lọc giống nếp thơm Hưng Yên và phục tráng một số giống lúa chủ lực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên; Dự án mua giống và lưu giống gốc cây đầu dòng, lợn, gà và công tác hậu kiểm một số giống lúa chủ lực...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm cung ứng ra thị trường 100 tấn giống nếp; trên 10 nghìn cây giống; đồng thời cung ứng hàng chục nghìn con gà giống, lợn giống, tinh lợn đực... 

Sau buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Toản đã tham quan thực tế mô hình sản xuất của Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh như: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính; mô hình lúa nếp thơm Hưng Yên siêu nguyên chủng tại huyện Phù Cừ…

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

°
123 người đang online