Văn Lâm: Hiệu quả từ mô hình mạ khay, cấy máy trên đồng ruộng

Đăng ngày 03 - 03 - 2021
Lượt xem:
100%

Những ngày cuối tháng 2, trên các cánh đồng của huyện Văn Lâm, nông dân đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Bên cạnh những thửa ruộng nhỏ còn duy trì phương pháp gieo cấy thủ công, tại một số cánh đồng lớn của các xã như: Việt Hưng, Chỉ Đạo, Lạc Đạo, Minh Hải… xuất hiện những nông dân đã áp dụng máy cấy vào sản xuất.

Gieo cấy bằng máy cấy tại xã Lạc Đạo

Đây là năm thứ 3 nông dân xã Việt Hưng đưa máy cấy xuống đồng ruộng nên hình ảnh chiếc máy cấy không còn xa lạ với người dân nơi đây. Ông Trần Mạnh Tiến, thôn Thục Cầu cho biết: “Gia đình tôi cấy 20 mẫu lúa. Trước đây cứ đến vụ cấy, tôi rất lo lắng, sốt ruột vì tìm thuê người cấy rất khó khăn, chi phí lại cao, phải vất vả nhổ mạ. Nếu thuê cấy một sào lúa bằng tay hiện nay trung bình khoảng 400 nghìn đồng, chưa kể tiền mua giống, công chăm sóc mạ. Nay chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy bằng máy, chi phí và công lao động giảm đi nhiều.

Cũng giống gia đình ông Tiến, gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Chùa, xã Minh Hải đã chuyển hẳn từ cấy lúa bằng tay sang cấy bằng mạ khay, cấy máy. Anh Quý cho biết: Cấy bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút/sào, giảm đáng kể chi phí ngày công và tiết kiệm sức lao động cho nông dân. Mặt khác, cấy bằng máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh; tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động. Từ kết quả đạt được, vụ lúa xuân này, gia đình tôi tiếp tục cấy bằng máy với diện tích gần 9ha”.

Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm áp lực về lao động, thời vụ; thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất tập trung với quy mô lớn; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả, huyện Văn Lâm đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và liên kết sản xuất từ vụ xuân năm 2019 tại 2 xã Minh Hải và Việt Hưng với diện tích trên 33ha. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được huyện hỗ trợ 50% chi phí mạ khay, máy cấy; 30% chi phí phân bón dùng 1 lần cho cả vụ và kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc lúa cấy và đầu ra cho sản phẩm. Riêng tại xã Việt Hưng, hỗ trợ thêm kinh phí 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất mạ khay phục vụ máy cấy; kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy cấy; cách sử dụng phân bón 1 lần cho cả vụ… Theo đánh giá của ngành chức năng, thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy đã giảm chi phí, sâu bệnh, tăng năng suất, cho lợi nhuận cao hơn từ 300 - 500 nghìn đồng/sào so với cấy bằng tay. Phát huy hiệu quả từ mô hình mạ khay, máy cấy đem lại, huyện Văn Lâm đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục tham gia thực hiện mô hình, mở rộng diện tích. 

Nhận thấy hiệu quả, năng suất từ mô hình mạ khay, cấy máy, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Lâm không đăng ký tham gia mô hình nhưng vẫn triển khai thực hiện mô hình này. Nông dân một số xã thực hiện đăng ký diện tích cấy bằng máy trực tiếp với chủ máy cấy. Theo đó, chủ máy cấy sẽ đảm nhận toàn bộ từ mua giống, gieo mạ trong khay cho đến khi thực hiện cấy với chi phí 270 nghìn đồng/sào. Anh Nguyễn Văn Cơ, chủ máy cấy ở xã Việt Hưng cho biết: Thấy được lợi ích từ việc cấy bằng máy, hiện nay, ngoài việc cấy cho 100% các hộ tham gia thực hiện mô hình mạ khay máy cấy trên địa bàn huyện Văn Lâm, gia đình tôi còn nhận dịch vụ cấy cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Mỗi ngày, một chiếc máy cấy có thể cấy được 7 -10 mẫu ruộng, khoảng cách lúa cấy đều hơn, bảo đảm được mật độ, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy bằng máy gần 40 mẫu cho các hộ dân trên địa bàn huyện không tham gia mô hình mạ khay, cấy máy do huyện hỗ trợ. 

Đồng chí Trịnh Văn Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lâm cho biết: So với cấy thủ công cho thấy, cấy bằng máy cho năng suất cao hơn trên 10%, giảm ít nhất 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, việc sử dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp giúp địa phương khắc phục tình trạng bỏ ruộng, hình thành diện tích sản xuất lúa tập trung. Để mở rộng diện tích sử dụng mạ khay, cấy máy, tạo sự liên kết và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, thời gian tới, huyện tuyên truyền, khuyến khích người dân đăng ký diện tích cấy máy, tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

°
164 người đang online