Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Đăng ngày 11 - 08 - 2020
Lượt xem:
100%

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.

Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh có dư nợ giảm so với cuối năm 2019. Với sự vận dụng thực hiện linh hoạt các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của UBND tỉnh, từ tháng 6 đến nay, hoạt động tín dụng ngân hàng đã khởi sắc, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng so với cuối năm 2019. Đây là tín hiệu vui trong khơi thông nguồn vốn, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Hưng Yên

Trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vay vốn của khách hàng có xu hướng giảm. Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay. Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngay từ quý I, NHNN Chi nhánh tỉnh đã có văn bản triển khai đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, ngành ngân hàng tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp hỗ trợ các TCTD triển khai thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định”. 

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; của UBND tỉnh, các chi nhánh ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân, TCTD trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ vốn vay cho khách hàng, từng bước khơi thông nguồn vốn. Theo đó, các TCTD trong tỉnh chủ động rà soát, thống kê khách hàng còn dư nợ để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình xử lý, tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm bảo đảm thực hiện đúng chính sách, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 202 khách hàng; miễn, giảm lãi suất đối với 58 khách hàng; cho vay mới đối với hơn 4 nghìn khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm đối với nhiều khách hàng vay vốn.

Để tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, ngành ngân hàng đã hoàn thành phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của đơn vị, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Ngành triển khai thực hiện các TTHC đã được nâng cấp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, bao gồm: Các TTHC về chữ ký số, chứng thư số, tham gia hệ thống điện tử liên ngân hàng, cấp mã ngân hàng và các TTHC về vay, trả nợ nước ngoài. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của NHNN về cung cấp dịch vụ ngân hàng thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của đơn vị. 

Đáng chú ý là các TCTD tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chương trình tín dụng. Các TCTD thực hiện giao dịch một cửa đối với các dịch vụ như quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ phi tín dụng khác. Toàn ngành xây dựng văn hóa giao dịch văn minh, lịch sự, niềm nở với khách hàng. Quy trình phê duyệt tín dụng được áp dụng nhiều nền tảng công nghệ thông tin, tự động hóa, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt. Nhiều TCTD trên địa bàn tỉnh đã chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng theo quy định; đồng thời quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới. Đối với doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn, bên cạnh tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất, kỳ hạn cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương có các biện pháp hỗ trợ như bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm, thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị...

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, từ tháng 6 đến nay, dư nợ tín dụng đã tăng trưởng so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn đến hết tháng 7.2020 ước đạt trên 62,6 nghìn tỷ đồng, tăng trên 1,3 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ tăng 2,2%) so với ngày 31.12.2019. Một số TCTD có dư nợ tăng trưởng đạt khá là: Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên, BIDV Chi nhánh Bắc Hưng Yên, Vietinbank Chi nhánh Hưng Yên, Vietcombank Chi nhánh Hưng Yên, Vietcombank Chi nhánh Phố Hiến, Sacombank Chi nhánh Hưng Yên…

Để nâng cao hiệu quả khơi thông nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng bền vững, thời gian tới, ngành ngân hàng Hưng Yên cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của UBND tỉnh. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp - người dân nhằm giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm của ngân hàng, kịp thời nắm bắt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của khách hàng trong quan hệ vay vốn ngân hàng. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc các quy định về thẩm định, định giá tài sản đảm bảo, theo dõi dòng tiền, bám sát việc sử dụng vốn vay và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

°
81 người đang online