Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Đăng ngày 17 - 06 - 2020
Lượt xem:
100%

Hôm qua, 16-6, tại Nhà Quốc hội (QH), QH khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Buổi sáng, QH thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ, nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa một phần các Điều 10, Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được QH thông qua.

Về đối tượng áp dụng chính sách, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và một số đại biểu cho rằng, nên mở rộng đối tượng hỗ trợ đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Phân tích về điều này, đại biểu cho biết, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97%, đóng góp hơn 45% GDP và hơn 51% số lao động, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế. Nói cách khác, nhóm doanh nghiệp này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thiếu về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế so với các doanh nghiệp lớn. Do vậy, sự hỗ trợ lúc này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể coi là sự động viên, khuyến khích các doanh nghiệp phấn đấu tốt hơn.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo lĩnh vực, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế để giúp họ vượt qua khó khăn tạm thời. Bởi sự phát triển của những doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực này có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, song song với việc ban hành Nghị quyết này, cũng cần ban hành ngay phương án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng mà đang gặp khó khăn.

Về giảm thuế thu nhập tại điều hai của Nghị quyết, một số đại biểu cho rằng, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng, không công bằng đối với tình hình thực tiễn khác nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, cần phải đánh giá, thẩm định rõ ràng, đầy đủ từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, doanh thu, người lao động, thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, xác định được đối tượng thụ hưởng một cách khoa học, chặt chẽ hơn với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) và nhiều đại biểu khác đề nghị, cần cân nhắc bỏ điều kiện áp dụng tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi trong điều kiện dịch bệnh khó khăn như hiện nay, những doanh nghiệp đang cố gắng để giữ được việc làm cho người lao động là một sự nỗ lực lớn và rất đáng quý.

Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Các đại biểu QH nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, nhằm bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) và một số đại biểu khác đề nghị, bổ sung quy định đối với hành vi nghiêm cấm phá hoại cột mốc biên giới. Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia thì điều cốt lõi của Luật là xây dựng, bảo vệ, quản lý biên giới. Trong biên giới, đường biên giới rất quan trọng, trong đó cột mốc thể hiện chủ quyền quốc gia. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc làm sao thể hiện được mấu chốt vấn đề này trong việc xây dựng và bảo vệ biên giới. Ban soạn thảo cũng cần xem xét nghiên cứu thêm khái niệm về biên giới quốc gia, biên giới, thế trận biên phòng toàn dân. Đồng thời, cần chỉnh sửa một số từ ngữ trong dự thảo Luật để nội dung thể hiện được vai trò đặc biệt của BĐBP; nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ của BĐBP trong việc tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục y tế vì trong thời gian qua, BĐBP đã tham gia nhiều hoạt động như: hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới trong việc sản xuất; thăm, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đa số các đại biểu QH đều tán thành với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo luật và cho rằng điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú. Cùng với đó là việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân là cách làm khoa học góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, để dự thảo luật có hiệu quả cao khi ban hành, các đại biểu QH Lê Quang Trí (Tiền Giang); Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam. Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, theo tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế cho nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc... Vì vậy, đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Cần chú trọng nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật, các cơ sở dữ liệu phải được xây dựng đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở. Đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số đại biểu, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực, như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…) vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế.

Trên thực tế, sổ hộ khẩu giấy là điều kiện không thể thiếu khi giao dịch với các cơ quan tổ chức trong các lĩnh vực chính trị, hành chính, dân sự… Chính phủ cần xem xét lộ trình thực hiện việc bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy để bảo đảm tính khả thi của dự án luật.

Đại biểu LEO THỊ LỊCH (Bắc Giang)

Tôi thống nhất, đồng tình với chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, nhưng ở đây quy định các doanh nghiệp được hưởng chính sách có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người, thì đây là con số rất mơ hồ, cần phải xác định kỹ, rõ ràng. Trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn thật sự, đề nghị nên miễn, giảm dù là doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa, bởi trong tình trạng khó khăn, nếu không giảm thì có thể các doanh nghiệp lớn sẽ phải phá sản.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov(20/03/2024 6:45 SA)

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư ở Việt Nam(20/03/2024 6:44 SA)

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng(14/03/2024 7:18 SA)

°
102 người đang online