Khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Đăng ngày 27 - 05 - 2020
Lượt xem:
100%

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hưng Yên tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng. Qua đó, góp phần khơi thông các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Hưng Yên
Giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Hưng Yên

Với tinh thần chủ động đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, gửi thông báo bằng văn bản đến khách hàng về các chương trình ưu đãi tín dụng  theo hướng dẫn của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Thông tư 01). Đồng thời, trong hoạt động nghiệp vụ, các TCTD xúc tiến nhanh việc thẩm định và tái thẩm định, rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn, giảm phí giao dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử. Cán bộ tín dụng làm việc với từng doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn  để đánh giá  mức độ ảnh hưởng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 01 nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho khách hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hưng Yên, qua nắm bắt thông tin của các TCTD với doanh nghiệp thì đa số khách hàng thuộc nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19 vẫn sản xuất, hoạt động kinh doanh bình thường. Đồng thời, có số ít thuộc nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm. Theo đó, các TCTD tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng kịp thời, linh hoạt cho từng khách hàng. Tính đến hết tháng 4.2020, tổng số 37 khách hàng doanh nghiệp đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ, tương ứng với dư nợ là 613,5 tỷ đồng; trong đó có 16 khách hàng doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ tương ứng là 532 tỷ đồng, 21 khách hàng doanh nghiệp được miễn, giảm lãi, với dư nợ tương ứng là 81,5 tỷ đồng với số lãi được miễn giảm là 180 triệu đồng, mức giảm lãi suất từ 0,3%-0,8%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi theo gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh khẳng định: “Nắm bắt nhu cầu từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hưng Yên quyết liệt chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí cho vay; cơ cấu điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, hạn mức cho vay; rà soát đánh giá lại tài sản bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định. Đồng thời, chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn, ưu tiên vốn vay các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa...”. Hiện nay, lãi suất cho vay giảm so với đầu năm. Lãi suất cho vay VND ngắn hạn phổ biến ở mức từ 6-8%/năm; trung, dài hạn phổ biến ở mức từ 8-10%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Hoàn thành chuẩn hóa các quy trình nội bộ cung cấp sản phẩm dịch vụ, quy định rõ trách nhiệm của nhân viên, lãnh đạo, thời gian giải quyết công việc,... từ khi tiếp nhận yêu cầu đến khi phê duyệt. Các TCTD tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.  Đáng chú ý, chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đẩy mạnh, dư nợ tín dụng của chương trình này  đến 30.4 đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, ước đến hết tháng 5.2020 đạt trên 15,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng dư nợ, tăng 184 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 1,2%) so với  ngày 31.12.2019.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Khách hàng gặp khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ liên quan chứng minh cụ thể mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là đối với khách hàng chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước, tiếp tục làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên các ngân hàng khó đánh giá về khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng sau cơ cấu, khó khăn của doanh nghiệp có thể kéo dài hơn thời gian 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 của Thông tư 01. Do đó, nếu sau thời gian 3 tháng quy định, khách hàng không trả được nợ mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì khoản nợ của khách hàng bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng  Hưng Yên cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của tỉnh để chung tay cùng doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các TCTD để bảo đảm có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp, chính sách, chương trình, gói sản phẩm hỗ trợ để khách hàng vay vốn biết và phối hợp thực hiện. Các doanh nghiệp cần rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ, tạo niềm tin cho ngân hàng. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn thuận lợi trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ngân hàng như: Xử lý tài sản bảo đảm, các thủ tục xác nhận, công chứng... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Tin liên quan

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Tin mới nhất

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2024(12/04/2024 2:09 CH)

Xã Liên Nghĩa đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(12/04/2024 8:16 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Về việc huỷ bỏ giá trị pháp lý của Giấy uỷ quyền(11/04/2024 2:07 CH)

°
53 người đang online