Độc lạ vải trứng Hưng Yên

Đăng ngày 23 - 05 - 2020
Lượt xem:
100%

Những năm gần đây, cây vải trứng đã mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất chiêm trũng ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi. Năm nay, nhiều hộ dân trồng vải trứng rất phấn khởi vì vải được mùa, được giá.

Cùng với thời gian thu hoạch sớm, ưu thế vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả. Do vậy vải trứng hiện được bán tại vườn với mức trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với vải lai chín sớm.

Giống vải trứng được trồng khởi điểm tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), với cây vải gốc khoảng 150 tuổi, do cụ Nguyễn Văn Diệm (ông nội ông Vì) trồng. Do hợp thổ nhưỡng, nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác.

Từ cây vải này, con, cháu cụ Diệm lưu giữ và nhân giống cho nhiều người dân trong vùng trồng. Năm 2019, xã Phan Sào Nam đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Tiến nhằm bảo tồn và phát triển giống vải quý này.

Vải trứng chuẩn bị thu hoạch ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ)
Vải trứng chuẩn bị thu hoạch ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ)

Với 3 mẫu trồng vải trứng, gia đình anh Mai Văn Diện ở thôn Ba Đông hiện là hộ có diện tích trồng loại cây này lớn nhất ở xã Phan Sào Nam. Nhờ thời tiết thuận lợi và kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc, vụ này, gia đình anh ước thu trên 7 tấn quả. 

Thời điểm này, những chùm vải trứng sai lúc lỉu của gia đình anh đang bắt đầu vào mã, quả to, đẹp mắt khiến người đi qua trông thấy phải trầm trồ. Anh Diện cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm tôi đã chiết khoảng 60 cây giống từ vườn vải trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Vì. Sau đó tôi tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích. Năm nay sản lượng vải trứng của gia đình tôi cao hơn so với năm ngoái, từ 100 cây vải trứng, tôi ước thu 7 tấn quả, bán với giá 60.000 - 70.000đồng/kg; dự kiến mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 400 triệu đồng”. 

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: “Hiện nay, toàn xã có trên 200 hộ trồng vải trứng với khoảng 78ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ba Đông. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng năm nay ước đạt từ 20 - 25 tấn. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa, rau màu, cây ăn quả khác kém hiệu quả sang trồng vải trứng. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ... xây dựng quy trình chăm sóc, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong xã để nâng cao năng suất, chất lượng vải trứng...”.

Nằm giáp xã Phan Sào Nam, gia đình ông Đoàn Văn Hiểu ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc (Ân Thi) hiện có 24 cây vải trứng đang cho thu hoạch. Ông Hiểu cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng vải trứng của gia đình tôi ước đạt 2,5 tấn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Do số lượng không nhiều nên hàng năm, thương lái đếu đến tận vườn đặt mua trước. Tôi cũng sẽ tiến hành ghép mắt thay thế toàn bộ 2,5 mẫu vải lai chín sớm sang vải trứng để nâng cao giá trị kinh tế”.

Theo người trồng vải trứng, đây là loại cây khó tính đòi hỏi chăm sóc kỳ công nhưng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần vải bình thường. Thông thường, cây cho thu hoạch cách năm, tức là 1 năm được mùa sẽ xen 1 năm mất mùa. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng vải theo quy trình Vietgap, nhiều hộ trồng vải trứng đã khắc phục được hạn chế này để vải ra hoa đều hàng năm.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ, hiện nay, diện tích vải của toàn huyện là 836ha, trong đó, vải trứng là 110ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi và bà con đã có kinh nghiệm thâm canh giống vải trứng nên sản lượng đạt khoảng 50 tấn, cao hơn năm trước. Vải trứng là giống vải đặc sản của địa phương với mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2 - 3 lần so với vải lai chín sớm. Huyện Phù Cừ đã có kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ mở rộng thêm 85,4ha vải trứng, tập trung ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Đoàn Đào, Minh Hoàng, thị trấn Trần Cao để phát triển diện tích cây vải trứng theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
118 người đang online