Hưng Yên: Nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của Covid-19

Đăng ngày 27 - 02 - 2020
Lượt xem:
100%

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh Hưng Yên đang chịu tác động của dịch và đối mặt với nhiều khó khăn...

Công ty cổ phần May Hưng Phát T&M đóng trên địa bàn xã Minh Tân (Phù Cừ) hiện có trên 300 người lao động. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất từ 25 – 30 nghìn sản phẩm xuất khẩu đi thị trường các nước Mỹ, Hàn Quốc. 

Anh Phạm Văn Đảo, Trưởng Phòng Xuất, nhập khẩu của công ty cho biết: “Hiện nay, 90% nguyên, phụ liệu sản xuất của công ty nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19, từ đầu tháng 1, các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc đã bắt đầu bị ảnh hưởng và từ giữa tháng 1 đến nay, công ty chưa nhập được lô hàng nào từ đối tác Trung Quốc. Hiện tại, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường do sử dụng nguyên liệu trong kho đã nhập về từ trước đó. Ngoài sản xuất tại nhà máy, công ty còn liên kết với 20 – 30 xưởng sản xuất vệ tinh, nhưng do không nhập được nguyên, phụ liệu nên hiện nay chỉ duy trì 15 – 17 xưởng và có thể giảm tiếp trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu”.

Là DN chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng may mặc cho đối tác Mỹ, với công suất khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, Công ty TNHH Thiên Sơn, đóng trên địa bàn xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thiên Sơn, đóng trên địa bàn xã Thiện Phiễn (Tiên Lữ)
Sản xuất tại Công ty TNHH Thiên Sơn, đóng trên địa bàn xã Thiện Phiến (Tiên Lữ)

Chị Phan Thị Thu Nga, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi. Nhiều chuyên gia Trung Quốc không thể sang công ty để làm việc. Khoảng  90% nguyên, phụ liệu dệt may (vải, phụ liệu) của công ty đang được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu như trước đây, mỗi tháng, công ty nhập khoảng 40 container nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc thì từ đầu tháng 2 đến nay, công ty chưa nhập thêm được lô hàng mới nào. Với nguyên liệu còn trong kho, công ty có thể bảo đảm sản xuất đến hết tháng 3, tuy nhiên sau đó thì phải phụ thuộc vào việc có nhập được nguyên liệu từ Trung Quốc hay không. Trước khó khăn này, chúng tôi cũng tính đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu mới, nhưng việc này không hề dễ bởi nhiều đối tác chỉ định các nhà cung cấp nguyên liệu. Hoặc nếu thay bằng nguyên liệu trong nước thì cũng phải đặt hàng rất lâu và khó cạnh tranh về giá cả...”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên - Công ty cổ phần, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có trên 80 DN may mặc với trên 4 vạn lao động. 

Riêng Tổng công ty May Hưng Yên - Công ty cổ phần có 11 DN với khoảng 14.000 lao động. Khoảng 50 – 60% nguyên, phụ liệu của Tổng công ty được nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện nay, một số DN trong Tổng công ty đã bắt đầu thiếu nguyên liệu và một số DN thì từ giữa tháng 3 sẽ bắt đầu nhỡ hàng. Dự báo, thời gian tới, 60 – 70% DN trong tổng công ty sẽ bị nhỡ hàng ít nhất 1 tháng. Điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN bị ngưng trệ.

Cái khó nhất của các DN bây giờ là dù tạm ngưng sản xuất, cho lao động nghỉ làm, giãn việc thì vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động với mức lương bình quân bằng tiền lương tối thiểu hơn 4 triệu đồng/người/tháng...

Trong thời điểm khó khăn, DN hoạt động cầm chừng, do đó tôi kiến nghị với Chính phủ cho phép DN tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi công nhân nghỉ làm; đề nghị hệ thống tài chính, ngân hàng giảm lãi suất vay, giãn nợ cho DN; đồng thời trích kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ đào tạo nghề quốc gia để hỗ trợ một phần cho DN tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, ông Dương cho biết.

Dịch bệnh Covid-19 còn khiến cho các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh gặp cảnh “đìu hiu”, vắng khách. Thông thường, vào thời gian này như các năm trước, lượng khách tại các bến xe khá đông, nhưng năm nay lại vắng vẻ.

Công ty TNHH Vận tải hành khách Phù Cừ hiện đang khai thác vận tải hành khách tuyến buýt 207 (Bến xe Triều Dương – Bến xe Gia Lâm, Hà Nội) và 12 tuyến cố định đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Hoàng Văn Công, Giám đốc công ty cho biết: “Chưa có năm nào mà lượng khách đi xe lại ít như năm nay. Có chuyến khi xe xuất bến chỉ có 2 - 3 hành khách; có chuyến chỉ đón được hơn chục khách, lượng khách và doanh thu giảm 40 – 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày DN phải bù lỗ khoảng 20 triệu đồng để trả chi phí xăng dầu, lương cho nhân viên...

Do quá ít khách nên vào giờ thấp điểm chúng tôi phải giãn chuyến. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, ngân hàng, bến bãi xe khách có những chính sách, giải pháp hỗ trợ DN lúc khó khăn như: giảm chi phí bến bãi, hỗ trợ phí sử dụng đường bộ, giảm một phần lãi suất và giãn nợ cho DN…

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
328 người đang online