Thúc đẩy chuyển đổi số trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

Đăng ngày 29 - 09 - 2020
Lượt xem:
100%

 

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, Công ty cổ phần MISA và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số trong công tác quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý giáo dục, quản lý cán bộ công chức, viên chức”.

 
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Việt Nam đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính phủ số là đầu tàu của đoàn tàu chuyển đổi số. Cơ quan nhà nước, chính quyền phải làm gương, là nơi chuyển đổi số trước và dẫn dắt toàn bộ tiến trình chuyển đổi số của xã hội. Để chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, bước đầu tiên phải xuất phát từ thay đổi nhận thức, tư duy.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, với trụ cột Chính phủ số, chương trình đặt ra các mục tiêu lớn đến năm 2025 và 2030, gồm: 80% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 và sử dụng chủ yếu trên điện thoại di động thay vì là trên máy tính truyền thống; 90% hồ sơ cấp Bộ, tỉnh; 80% hồ sơ điện tử cấp huyện; 60% hồ sơ điện tử cấp xã được sử dụng và xử lý hoàn toàn phiên bản điện tử; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành; 50% hoạt động thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước được tiến hành trực tuyến thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan quản lý. Đây là một trong những chỉ tiêu cốt lõi sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng, giảm nhũng nhiễu và nâng cao hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước.
Mục tiêu là vậy nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), tính đến tháng 8/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước mới chỉ là 17,97%, còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đã đặt ra là 30%. Đặc biệt, có 5 bộ và 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10%.
Với thực trạng này, nếu không có sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp thì mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ không thể đạt được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bộ Thông tin và Truyền thông ra văn bản về việc đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố.
Từ góc độ của Bộ ngành, theo ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giáo dục được xác định là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Do đó, trong năm nay lĩnh vực mà giáo dục cần tập trung là học trực tuyến, thư viện số, đánh giá kiểm tra, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ phân tích hiệu quả của ngành giáo dục.
Đối với hoạt động chuyển đổi số trong ngành Nội vụ, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ) cho biết: Có 3 mục tiêu chính trong Chuyển đổi số là quản lý con người, quản lý tài chính, quản lý văn bản bằng công nghệ. Một số đơn vị sử dụng phần mềm MISA đã có dữ liệu được đẩy về Bộ Nội vụ, từ đó quá trình trao đổi thông tin diễn ra thông suốt và chính xác. Ngành Nội vụ khuyến khích các cơ quan, đơn vị có thể tham khảo mô hình mẫu này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò hỗ trợ thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn thông qua việc tạo ra các nền tảng số phục vụ cho toàn xã hội. Từ góc độ doanh nghiệp triển khai nền tảng cho chuyển đổi số các đơn vị sự nghiệp, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho biết, hiện đơn vị đang triển khai tại hơn 70% đơn vị hành chính sự nghiệp, xã, phường trên toàn quốc về ứng dụng công nghệ số để liên thông cơ sở dữ liệu. Việc này sẽ giúp các cơ quan chủ quản có bức tranh toàn diện về tài chính, ngân sách, quản lý các mảng chuyên môn mọi lúc mọi nơi, hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời. Các đơn vị tại địa phương cung cấp được báo cáo chính xác, kịp thời, giảm bớt các thủ tục hành chính; giảm thời gian, công sức, tiết kiệm ngân sách nhờ tự động hóa các quy trình tác nghiệp.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số hiện nay được thúc đẩy nhờ vào các nền tảng. Trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin nhanh thì phải mất 3 - 5 năm mới thực hiện được tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, với các nền tảng, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Không cần có đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin vẫn có thể chuyển đổi số. Các bệnh viện không cần có hệ thống, không cần có chuyên gia công nghệ thông tin, có thể sử dụng nền tảng để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Các trường học cũng tương tự. Do đó, công thức chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng./.

Tin liên quan

Triển khai công tác chuyển đổi số năm 2024(28/12/2023 6:59 SA)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính...(21/12/2023 8:32 SA)

Đánh giá kết quả thực hiện đề án 06(02/11/2023 6:48 SA)

Hưng Yên phát triển hạ tầng chuyển đổi số(17/09/2023 6:27 SA)

Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số(30/08/2023 12:46 CH)

Tin mới nhất

Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định...(21/03/2024 9:06 SA)

Chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy các dịch vụ tài chính tiện ích phát triển(14/03/2024 7:40 SA)

Giám sát việc thực hiện chuyển đổi số tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(13/03/2024 7:17 SA)

Giám sát thực hiện chuyển đổi số tại Sở Công Thương(07/03/2024 7:18 SA)

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về...(13/02/2024 10:15 SA)

°
55 người đang online