Gỡ vướng mắc về cách hiểu trong Luật Quy hoạch

Đăng ngày 14 - 08 - 2019
Lượt xem:
100%

Sau hơn 8 tháng, một số bộ, ngành, địa phương có cách hiểu khác nhau về một số điều, khoản của Luật Quy hoạch. Do đó, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (ngày 24/11/2017), có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương có cách hiểu khác nhau về một số điều, khoản của Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề có cách hiểu khác nhau đầu tiên là về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch.

Cụ thể, tại Điều 6 Luật Quy hoạch quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch, theo đó: Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 20, thì một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn.

Khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, việc lập quy hoạch phải theo thứ bậc từ trên xuống dưới như quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, một số bộ, ngành và địa phương lại cho rằng các quy hoạch phải được lập đồng thời thì mới đảm bảo tiến độ. Do còn có cách hiểu khác nhau như trên nên đã dẫn đến việc chậm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030.

Vấn đề khác còn có cách hiểu khác nhau là về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Theo tờ trình, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, quy định tiếp tục thực hiện và kéo dài thời hạn của quy hoạch chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh nội dung của các quy hoạch; cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện quy hoạch phải gắn với việc điều chỉnh quy hoạch, để điều chỉnh, bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn. Việc không cho phép điều chỉnh quy hoạch gây khó khăn trong điều hành của các ngành trong thời hạn quy hoạch.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh, quy định của Luật Quy hoạch không tạo ra cách hiểu khác nhau mà chỉ vì có vướng mắc trong thực hiện mà không xử lý thì lãng phí nhiều quy hoạch hiện có, hoặc quy hoạch này chờ quy hoạch kia làm chậm thời gian thực hiện. Do đó, việc UBTVQH giải thích luật là phù hợp, tạo sự thống nhất trong áp dụng luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 đã có những cách hiểu, vận dụng khác nhau nên khi triển khai làm quy hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương đã có những vướng mắc, chậm triển khai quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới. Chính vì vậy, sau khi UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ thảo luận, giải thích; UBTVQH đã thống nhất dự thảo ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều tại Luật Quy hoạch.

Theo dự thảo của Nghị quyết, khoản 1, Điều 6 và khoản 2, điều 20 được hiểu như sau: Việc triển khai lập các quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và các Luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Điểm c khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch được hiểu như sau: Trong quá trình thực hiện, các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà theo Luật Quy hoạch sẽ phải tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng chưa được phê duyệt thì được điều chỉnh nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch phải tích hợp được phê duyệt. Việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của các luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32(16/04/2024 8:29 SA)

Brazil tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh(11/04/2024 2:47 CH)

Điều hành quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra(04/04/2024 6:53 SA)

Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(01/04/2024 2:49 CH)

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

°
75 người đang online