Liên minh châu Phi gia hạn chuyển giao quyền lực ở Sudan

Đăng ngày 25 - 04 - 2019
Lượt xem:
100%

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi đã nhất trí cho Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan thêm 3 tháng để hoàn tất việc chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự và nhấn mạnh rằng thời hạn này không nên kéo dài.

 
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi họp tại Cairo, Ai Cập
về cuộc khủng hoảng chính trị tại Sudan (Ảnh: Sudan Tribune)

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ngày 23/4, tại Cairo, Ai Cập với sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi – Chủ tịch AU, lãnh đạo các nước Chad, Djibouti, Somalia, Nam Phi, Ethiopia, đại diện Ủy ban châu Phi và các nước Kenya, Nigeria, Nam Sudan và Uganda.

Tại cuộc họp, các nước tham gia cho rằng cần phải có thêm thời gian để giới chức Sudan và các đảng phái nước này thực hiện việc chuyển giao quyền lực, qua đó khuyến nghị Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU kéo dài thời gian cho giới chức Sudan thêm ba tháng.

Quyết định kéo dài thêm thời gian chuyển giao quyền lực cho Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đối thoại giữa người biểu tình và TMC bị đổ vỡ. Lực lượng biểu tình đã hoãn đối thoại với TMC, cho rằng TMC không khác mấy so với chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir – người vừa bị lật đổ ngày 11/4 vừa qua, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì các cuộc biểu tình cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng. Người biểu tình yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực ngay lập tức; trong khi TMC yêu cầu người biểu tình dỡ bỏ các rào chắn, mở lại các tuyến đường bị phong tỏa.

Trước đó, ngày 16/4, Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU đã đặt thời hạn 15 ngày để Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, đồng thời cảnh báo sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Sudan nếu yêu cầu trên không được thực thi đúng hạn. Tuy nhiên, những diễn biến mới tại Sudan cho thấy thời gian trên là không đủ để thực hiện. Do vậy, việc kéo dài thêm 3 tháng để chuyển giao được cho là phù hợp với tình hình thực tế tại Sudan.

Tình hình Sudan đã trở nên căng thẳng với các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir ngày 11/4 vừa qua, quân đội Sudan đã lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Hội đồng này dự tính hoạt động tối đa trong 2 năm.

Tuy nhiên, những người biểu tình lo ngại quân đội tìm cách tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hiệp hội Các chuyên gia (SPA) - lực lượng nòng cốt tổ chức cuộc biểu tình tại Sudan đã tiếp tục đưa ra một loạt yêu cầu như giải tán TMC và thay thế bằng một hội đồng dân sự có đại diện của quân đội; bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan tư pháp Abdelmajid Idris và Trưởng công tố Omer Ahmed Mohamed Abdelsalam.../.

Tin liên quan

Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga(20/03/2024 6:38 SA)

Khẳng định tầm quan trọng của hòa bình(06/03/2024 7:31 SA)

Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn dự luật ngân sách tạm thời để tránh đóng cửa chính phủ(04/03/2024 7:28 SA)

Không bao giờ được phép thất bại trước các nỗ lực vì quyền con người(29/02/2024 7:30 SA)

Hội đồng Bảo an LHQ không thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza(22/02/2024 6:51 SA)

Tin mới nhất

Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga(20/03/2024 6:38 SA)

Khẳng định tầm quan trọng của hòa bình(06/03/2024 7:31 SA)

Thủ tướng dự lễ đón các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia(06/03/2024 7:30 SA)

Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn dự luật ngân sách tạm thời để tránh đóng cửa chính phủ(04/03/2024 7:28 SA)

Không bao giờ được phép thất bại trước các nỗ lực vì quyền con người(29/02/2024 7:30 SA)

°
224 người đang online