Quy định mới về thi hành Luật Thủy sản

Đăng ngày 18 - 03 - 2019
Lượt xem:
100%

Ngày 08/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP  quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 10 Điều 10, điểm b khoản 3 Điều 13, khoản 4 Điều 16, khoản 5 Điều 21, điểm a khoản 2 Điều 23, Điều 24, khoản 5 Điều 25, khoản 5 Điều 27, khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 32, khoản 5 Điều 34, khoản 6 Điều 35, khoản 5 Điều 36, khoản 5 Điều 38, khoản 3 Điều 39, khoản 3 Điều 40, khoản 1 Điều 48, điểm đ khoản 2 Điều 50, khoản 3 Điều 51, khoản 2 Điều 53, khoản 7 Điều 56, điểm k khoản 2 Điều 57, khoản 4 Điều 64, khoản 4 Điều 66, khoản 2 Điều 68, điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 78, khoản 4 Điều 79, khoản 2 Điều 89, khoản 3 Điều 94, khoản 7 Điều 98, khoản 3 Điều 99 của Luật Thủy sản và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển của Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

Theo đó, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản có hiệu lực trong vòng 24 tháng. Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận như sau: Cơ sở gửi hồ sơ (gồm: Đơn đề nghị; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; sơ đồ vị trí đặt lồng/bè, sơ đồ khu vực nuôi trồng thủy sản) đến cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh; Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản, nếu cơ sở đạt yêu cầu.

Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi nếu bị tẩy xóa, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận hoặc cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận

Nghị định quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:

Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 5 năm tiếp theo.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau:  Đáp ứng tiêu chí được quy định tại (1) nêu trên; số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.

Chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, loài thuộc Nhóm I được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế.

Loài thuộc Nhóm II được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế hoặc đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện.

Hằng năm, tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý như sau:

Trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh phải thả về môi trường tự nhiên; cá thể bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên;

Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Trường hợp tang vật được xác nhận bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm phải tiêu huỷ ngay. Việc tiêu huỷ được tiến hành theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Về quy trình cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản; trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận thông tin hoặc nhận bàn giao từ tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản, thực hiện sơ cứu, nuôi dưỡng trong thời gian chờ bàn giao; cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản tiếp nhận bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân khai thác. Biên bản bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện theo mẫu kèm theo Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2019.

Tin liên quan

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/03/2024 9:09 SA)

Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024(25/03/2024 9:32 SA)

Công văn về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt(25/03/2024 9:25 SA)

Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục...(25/03/2024 9:15 SA)

Tin mới nhất

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/03/2024 9:09 SA)

Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024(25/03/2024 9:32 SA)

Công văn về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt(25/03/2024 9:25 SA)

Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục...(25/03/2024 9:15 SA)

°
89 người đang online