Bế mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đăng ngày 15 - 03 - 2019
Lượt xem:
100%

Chiều 13-3, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH bế mạc phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu ý kiến bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của QH, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH để tiếp tục hoàn chỉnh năm dự án luật, một dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến đại biểu QH đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp tháng 4-2019 tới; đồng thời hoàn thiện dự thảo bốn nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, vừa qua do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi phiên họp thứ 32. Vì vậy, phiên họp tháng tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (dự kiến từ ngày 10 đến 19-4). Trong khi đó, Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng tư chưa đến một tuần. Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu QH, chỉnh lý một số dự án luật rất gấp. Ðồng chí đề nghị Chính phủ và các cơ quan của QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng năm tới.

Trước đó (sáng 13-3), thảo luận về dự án Luật Thư viện, nhiều ý kiến cho rằng, Pháp lệnh Thư viện sau 18 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Nhìn chung, hệ thống thư viện Việt Nam hoạt động kém hiệu quả; Văn hóa đọc đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới... Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, nhưng so với mục tiêu xây dựng, tổng thể cấu trúc dự thảo luật còn chưa hợp lý, thiếu những quy định khái quát để tạo hành lang pháp lý cho phát triển các loại hình thư viện, phát triển văn hóa đọc, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Các chính sách đưa ra còn dàn trải, chưa xác định rõ về ưu tiên trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động thư viện, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin và thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân...

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, trong điều kiện ngân sách có hạn, Ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng chính sách Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu, Công tác phát triển văn hóa đọc và cung cấp dịch vụ thư viện nên được phối hợp với công tác lưu trữ, bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động thư viện nên được phối hợp với công tác giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện và dịch vụ phục vụ hoạt động thư viện.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của QH và Chính phủ đối với pháp luật quản lý thuế nói chung, pháp luật về quản lý nợ thuế nói riêng và tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng... Qua đó, làm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ thuế phù hợp tình hình kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành Nghị quyết khoảng 27.753 tỷ đồng.

Thảo luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ QH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, do đây là chính sách đặc thù, nhạy cảm, chưa được quy định trong luật hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế, cho nên cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tiêu chí, nguyên tắc xử lý nợ thuế, thời gian xóa nợ. Nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giám sát việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xóa nợ tiền thuế không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần cân nhắc thêm việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại, để tránh việc lợi dụng chính sách gây thất thoát vốn.

Chiều 13-3, Ủy ban Thường vụ QH biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.

Tin liên quan

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32(16/04/2024 8:29 SA)

Brazil tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh(11/04/2024 2:47 CH)

Điều hành quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra(04/04/2024 6:53 SA)

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Tin mới nhất

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32(16/04/2024 8:29 SA)

Brazil tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh(11/04/2024 2:47 CH)

Điều hành quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra(04/04/2024 6:53 SA)

Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(01/04/2024 2:49 CH)

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

°
10 người đang online