Hưng Yên: Phát triển bò thịt chất lượng cao

Đăng ngày 22 - 11 - 2019
Lượt xem:
100%

Theo tổng hợp của ngành chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò của toàn tỉnh đạt gần 40 nghìn con, trong đó bò thịt chiếm khoảng 70%. Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi đại gia súc theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã triển khai mô hình: “Nhân giống bò chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” tại huyện Văn Giang và thành phố Hưng Yên với quy mô 122 con. 

Bê lai BBB của gia đình ông Lã Văn Thỏ, xã Hùng Cường được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo
Bê lai BBB của gia đình ông Lã Văn Thỏ, xã Hùng Cường được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Mục tiêu của mô hình là tạo được giống bò lai BBB thông qua thụ tinh nhân tạo, trên cơ sở đàn bò nền (bò cái lai Sind) sẵn có trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng trang trại và sản xuất hàng hóa; cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương… 

Bò BBB có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt cho năng suất, chất lượng nổi tiếng thế giới hiện nay, được ví như “cỗ máy sản xuất thịt” với thể trọng lớn, tỷ lệ thịt xẻ đạt cao (gần 70%). Khi nhập về Việt Nam chăn nuôi lai tạo thành giống bò lai F1 BBB. 

Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; được tham quan học tập một số mô hình chăn nuôi bò lai BBB ở trong và ngoài tỉnh; được hưởng một số chính sách khuyến khích như được hỗ trợ 50% kinh phí mua tinh bò; 30% thức ăn hỗn hợp cho bò có chửa (tương đương 72kg)… 

Ông Đào Văn Thái, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Giang cho biết: “Qua thực tế triển khai mô hình “Nhân giống bò chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” tại huyện Văn Giang cho thấy: số bò cái đăng ký tham gia mô hình (40 con ở 18 hộ) đạt tiêu chuẩn và được phối giống trong thời gian quy định đạt 100%; tỷ lệ thụ thai 78,45% đạt yêu cầu kỹ thuật. Mô hình này giúp người chăn nuôi bò tiết kiệm thời gian, kinh phí để phối giống và hạn chế được sự lây lan bệnh tật; tạo ra đàn bê nuôi thịt cho năng suất cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi…”.

Anh Lã Văn Thỏ ở thôn Cao Xá, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) là một trong những chủ hộ nuôi bò sinh sản nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống. 

Anh Thỏ cho biết: “Sau khi gia đình tôi áp dụng thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giống. So với thụ tinh truyền thống tôi thấy bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, sức đề kháng cũng cao hơn. Nếu chăm sóc tốt thì trung bình một ngày bê con tăng trọng khoảng 1kg. Hiện trong thôn chúng tôi hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo này”.

Cùng tham gia mô hình từ đầu năm 2019, ông Phạm Văn Được ở thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) phấn khởi nói: “Tôi may mắn có 3 con bò cái lai Sind được chọn cho thụ tinh nhân tạo, đã thành công cả 3 (đạt 100%) và hiện một con đã sinh sản. Bê con mới sinh nặng trên 30kg, rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt, không tốn nhiều thức ăn như nuôi bò lai Sind trước đó. Sau nuôi 3,5 tháng tôi đã bán được với giá 25 triệu đồng/con, trừ các khoản đầu tư cho cả bê con và bò mẹ, tổng lãi thu được trên 18 đồng/con”. 

Ông Lê Ngọc Thương, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Kết quả sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhân tạo được hơn 80 bê lai F1 BBB. Tỷ lệ thụ thai đạt trên 78% (mục tiêu cần đạt là trên 50%). Bê con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đều có trọng lượng cao hơn từ 15 - 20% và có ngoại hình, thể chất đẹp hơn so với bò con sinh ra từ phối trực tiếp với bò đực địa phương. Nếu được nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, dưới 4 tháng tuổi, bê đực đã bán được 18 - 25 triệu đồng/con, bê cái được giá 12 – 14 triệu đồng/con, giá bán cao hơn từ 5 – 8 triệu đồng/con so với bê được sinh ra từ phương pháp mang thai tự nhiên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình vẫn còn một số hạn chế, như: Đa số bà con nông dân chăn nuôi dựa theo kinh nghiệm là chính, ngại thay đổi tập quán chăn nuôi nên gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; bò nuôi phân tán… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa giống bò BBB vào nuôi; tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào nuôi bò thịt, không nên giết thịt bê mà nên nuôi bò thịt (kể cả bê cái). Đồng thời, tiến hành phối giống bò BBB cho những con bò cái BBB (50%) để theo dõi quá trình thụ thai, sinh sản, sinh trưởng, phát triển...

Tin liên quan

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Tin mới nhất

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2024(12/04/2024 2:09 CH)

Xã Liên Nghĩa đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(12/04/2024 8:16 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025...(10/04/2024 8:11 SA)

°
143 người đang online