Hưng Yên 10 năm xây dựng nông thôn mới

Đăng ngày 01 - 10 - 2019
Lượt xem:
100%

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao; cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển khang trang, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn.

Diện mạo nông thôn mới xã Bình Minh (Khoái Châu)

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10.5.2011 về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng NTM. HĐND, UBND tỉnh đã căn cứ tình hình thực tế ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định xây dựng NTM là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh, ngay khi bắt tay vào thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. 

Các huyện, thành phố, thị xã và các xã cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM theo đúng sự chỉ đạo; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc ban chỉ đạo theo đúng quy định. 

Các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể đã tổ chức cụ thể hóa thực hiện nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Cán bộ phụ trách, tham gia công tác xây dựng nông thôn mới hàng năm đều được tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, đáp ứng yêu cầu công tác và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, cụ thể hóa việc triển khai chương trình xây dựng NTM; đồng thời ban hành những cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho việc tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi nhất. Tỉnh đã chọn 20 xã chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, có cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn; chủ động lồng ghép các nội dung xây dựng NTM với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Giai đoạn 2016 - 2020, từ những bài học kinh nghiệm của giai đoạn trước, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách đột phá, các chính sách mới đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp được tập trung kiện toàn, 100% các huyện, thành phố, thị xã thành lập Văn phòng điều phối nông thôn mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nông thôn mới các cấp được chú trọng. 

Để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, Ban Chỉ đạo tỉnh giao Văn phòng điều phối NTM tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến, quán triệt cho 7.445 lượt cán bộ tham gia xây dựng NTM cấp huyện, xã và thôn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng NTM. Quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; quản lý nhà nước về kinh tế tập thể... 

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011- 2015, các huyện, thành phố và các xã còn trích ngân sách để tập huấn về công tác lập quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM cho 3.650 lượt cán bộ xã, thôn. Trong gần 10 năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức khoảng 8 nghìn lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề cho hơn 1 triệu lượt học viên tham dự.

Với sự quyết  tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng NTM của tỉnh đạt được những kết quả đáng tự hào. 

Từ năm 2011 đến tháng 9.2019, toàn tỉnh huy động xây dựng NTM được gần 64 nghìn tỷ đồng. Trong đó, huy động từ cộng đồng dân cư giai đoạn từ 2011 - 2015 chiếm 77,33%; giai đoạn từ 2016 đến tháng 9.2019 nhân dân đóng góp chiếm 58,62%. Qua đó, đến tháng 9.2019, toàn tỉnh có 141/145 xã (đạt tỷ lệ 97,2%) đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào) đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017; huyện Văn Giang được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Huyện Văn Lâm đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.

Phong trào xây dựng NTM như một luồng sinh khí mới, tạo ra những bước nhảy vọt, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, cơ cấu kinh tế các xã chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững… đã góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. 

Theo ước tính của ngành chức năng, đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 45 triệu đồng/người, tăng 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,0%, giảm 4,81% so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 192 triệu đồng/năm, tăng 1,28 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng đang phát triển mạnh. Diện mạo NTM tại các xã trong tỉnh đang đổi thay từng ngày. 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về NTM được tăng cường. Kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh, từ năm 2011 đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM đã hoàn thành và vượt trước mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 02 - NQ/TU ngày 10.5.2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và thực hiện Kết luận số 04 - KL/TU ngày 11.10.2016 của Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Đề án xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Từ xã đến thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, y tế… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất, thu nhập của người dân nông thôn được nâng lên và thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình đến điều kiện ăn ở. Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM đến nay đạt tỷ lệ cao.

 Theo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt trên 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình; không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh tế nông nghiệp luôn duy trì sự tăng trưởng ổn định, xuất khẩu nông nghiệp tăng, dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, đa dạng. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của tỉnh gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường. Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành, phát triển, hiệu quả cao. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo đảm. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống… được bảo tồn, duy trì và phát triển. Công tác thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan được thực hiện tốt, đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được giữ vững, việc phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm bình đẳng giới, các hoạt động tương thân tương ái được tuyên truyền và thực hiện rộng rãi. Môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường; tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua, những năm tiếp theo, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể cho giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; 10 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; có 10 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 100% số huyện, thành phố, thị xã cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM... Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 30% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí mới; 20% số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 20% số khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu có 50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí mới; 30% số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 40% số khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong phong trào xây dựng NTM; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp chính quyền địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách như khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư nhằm khai thác tối đa các nguồn lực cho xây dựng NTM... Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao hơn; ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, các quy trình công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm lợi thế của địa phương...

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh(27/03/2024 8:51 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Hội nghị ký Kế hoạch phối hợp nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chính quyền phục vụ người dân và...(27/03/2024 6:24 SA)

°
8 người đang online