Hưng Yên: Trên 20 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM và giảm nghèo

Đăng ngày 16 - 07 - 2018
Lượt xem:
100%

Chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến mốc thời gian Hưng Yên đề ra để phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%...

Đây là những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, vừa được các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI biểu quyết đồng thuận tại kỳ họp thứ Sáu. Trên 20 nghìn tỷ đồng là tổng kinh phí thực hiện các chương trình...  
 
Hai chương trình lớn
 
Hiện nay, Hưng Yên có 87 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 60% số xã trong tỉnh. 92 xã đạt cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2017 là 3,41%, tương đương khoảng 12 nghìn hộ nghèo…
Làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới
Làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới
 
Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là hai chủ trương lớn đang được Hưng Yên tập trung thực hiện. Trong hai năm 2016 và 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh lần lượt là trên 4700 tỷ đồng và gần 5500 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn rất đa dạng, như: nguồn vốn ngân sách, vốn lồng ghép các chương trình dự án, vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn huy động từ cộng đồng dân cư…
 
Trên cơ sở tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình và sự vào cuộc tích cực của người dân, diện mạo nông thôn Hưng Yên đã có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống hạ tầng kết cấu xã hội. Nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả đã được hình thành. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân tuy chưa giàu có, dồi dào nhưng đã được cải thiện rõ nét.
 
Trong xây dựng NTM, có 2 tiêu chí thiết thực liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân, gồm: Thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.
 
Thật mừng là toàn tỉnh đã có gần 90% số xã hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Còn công tác giảm nghèo luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trong tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Riêng với hộ nghèo, dẫu mỗi nhà một cảnh, song đa phần họ đều giống nhau ở niềm hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn từ sự tự lực của gia đình cùng sự trợ giúp của cộng đồng. 
 
Trong 2 năm qua, hoạt động vay vốn tín dụng dành cho hộ nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững được ưu tiên thực hiện, với tổng số vốn gần 1400 tỷ đồng. Đến nay, phần lớn hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xuất khẩu lao động…Học sinh, sinh viên là con hộ nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo đã giúp cho hàng chục nghìn người nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, hàng nghìn người được đào tạo nghề, có việc làm ổn định... Trên 70% số hộ nghèo có nhu cầu đã được tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở…
 
Quan tâm lồng ghép các chương trình
 
Đến nay, Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch giảm nghèo tỉnh giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, việc lồng ghép các chương trình, dự án có cùng nội dung chưa đạt hiệu quả cao. Các giải pháp huy động các nguồn lực khác tại địa phương chỉ theo từng chương trình, chưa phát huy sự phối hợp trong việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn này.
 
Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM; giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
 
Theo kế hoạch, phấn đầu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 145 xã, đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM; 10/10 huyện đạt chuẩn NTM. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%.
 
Tổng kinh phí thực hiện chương trình là trên 20 nghìn tỷ đồng, gồm ngân sách nhà nước, vốn huy động, vốn lồng ghép, vốn tín dụng... Trong đó, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là trên 17 nghìn tỷ.
 
Trong khuôn khổ kế hoạch, 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu đã được đặt ra đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và 12 nhóm nhiệm vụ được vạch ra cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng 5 nhóm giải pháp thực hiện. 
 
Và, điều quan trọng trước tiên khi thực hiện kế hoạch chính là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên của người nghèo khi được tiếp cận vốn, có cơ hội học hành…. Sớm khắc phục tình trạng ở những địa phương chỉ quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng mà thiếu biện pháp tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng NTM, hướng tới xây dựng một nông thôn hiện đại, hình thành một mẫu hình người nông dân mới…

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định mùa nắng nóng(15/04/2024 8:12 SA)

Triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2024(12/04/2024 2:09 CH)

Xã Liên Nghĩa đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(12/04/2024 8:16 SA)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới(12/04/2024 8:14 SA)

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025...(10/04/2024 8:11 SA)

°
103 người đang online