Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 5 và 5 tháng năm 2018

Đăng ngày 04 - 06 - 2018
Lượt xem:
100%

 1. Sản xuất nông nghiệp
    a. Trồng trọt

    Theo kết quả điều tra diện tích cây hàng năm vụ Xuân năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng được 41.165 ha cây hàng năm, giảm 2.755 ha (giảm 6,27%) so với vụ Xuân năm 2017. Trong đó: Diện tích gieo cấy lúa 33.374 ha, giảm 2.033 ha; ngô 1.949 ha, giảm 374 ha; đậu tương 418 ha, giảm 124 ha, cây lạc 552 ha, giảm 27 ha; rau các loại 3.266 ha, tăng 75 ha. Riêng cây lúa năm nay giảm mạnh, tập trung ở các huyện: Văn Lâm giảm 170 ha; Văn Giang giảm 495 ha; Yên Mỹ giảm 429 ha; Mỹ Hào giảm 178 ha; Khoái Châu giảm 304 ha; Kim Động giảm 226 ha; thành phố Hưng Yên giảm 114 ha; các huyện khác cũng có biến động nhưng không lớn.
    Hiện nay, lúa xuân phát triển khá tốt và đang ở thời kỳ trỗ bông, đông sữa (toàn tỉnh hiện có 29.960 ha lúa trỗ bông, chiếm 89,77% diện tích lúa). Đây là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng lúa. Thời điểm này, trên đồng ruộng đang xuất hiện các loại sâu, bệnh hại lúa như: Bệnh khô vằn (diện tích nhiễm 9.536 ha, diện tích phòng trừ 10.738 ha); rầy nâu-rầy lưng trắng (diện tích nhiễm 1.287 ha, diện tích phòng trừ 1.245 ha); bệnh đạo ôn cổ bông (diện tích nhiễm 8 ha, diện tích phòng trừ 632 ha). Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà nông cần đảm bảo đủ nước để lúa làm đòng, trỗ bông được thuận lợi, đồng thời cũng thuận lợi cho công tác phòng trừ sâu, bệnh hại; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên lúa, cây rau màu vụ Xuân. Theo dự báo, nếu thời tiết thuận lợi thì năng suất lúa xuân có khả năng đạt 66,50 tạ/ha, tăng 0,65 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính năng suất một số cây trồng khác vụ Xuân năm nay như sau: Ngô 64,89 tạ/ha (giảm 0,13 tạ/ha); khoai lang 179,25 tạ/ha (tăng 12,31 tạ/ha); đậu tương 22,88 tạ/ha (tăng 2,41 tạ/ha); lạc 34,61 tạ/ha (tăng 0,47 tạ/ha).
    Bên cạnh việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, bà con nông dân còn chú trọng đến chăm sóc các loại cây ăn quả. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4,8 nghìn ha nhãn, vải đang trong giai đoạn phát triển quả non, một số diện tích trồng vải lai chín sớm bắt đầu cho thu hoạch; hơn 1,6 nghìn ha cam, quýt đang phát triển quả. Dự báo khả năng sản lượng nhãn, vải sẽ cao hơn năm trước.
    b. Chăn nuôi gia súc, gia cầm
    Theo kết quả điều tra 01/4/2018, số lượng đàn trâu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.755 con (tăng 0,80%); số lượng đàn bò ước đạt 35.251 con (tăng 2,68%); đàn lợn 559.988 con (giảm 4,58%); đàn gia cầm 7.879 nghìn con (tăng 2,43%). Thời điểm này, giá bán thịt lợn hơi đang có dấu hiệu phục hồi đã khuyến khích các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất.
    2. Sản xuất công nghiệp
    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm tăng 10,91% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai thác giảm 24,15%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,89%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,50%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,89%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 36,97%; quần áo các loại tăng 20,80%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 14,86%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 15,99%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 13,05%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 11,54%; sắt thép các loại tăng 9,77%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 12,59%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Sợi tơ (filament) tổng hợp giảm 20,75%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 9,83%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 5,95%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 0,85%.
    Tính chung năm tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 23,28%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,49%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,81%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,18%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 14,89%; quần áo các loại tăng 15,25%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 19,79%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 11,33%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 12,35%; sắt thép các loại tăng 17,68%; mạch điện tử tích hợp tăng 21,15%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 17,42%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 6,89%...
    3. Hoạt động đầu tư
    a. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước địa phương

    Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Năm đạt 179.461 triệu đồng, tăng 13,98% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 82.958 triệu đồng, tăng 7,05%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 52.755 triệu đồng, tăng 20,99%; vốn ngân sách cấp xã 43.748 triệu đồng, tăng 20,35%.
    Tính chung năm tháng đầu năm 2018, thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 748.434 triệu đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 365.795 triệu đồng, tăng 5,18%; vốn ngân sách cấp huyện 209.368 triệu đồng, tăng 22,63%; vốn ngân sách cấp xã 173.271 triệu đồng, tăng 24,27%.
    b. Đầu tư nước ngoài
    Tính đến 17/5/2018, trên địa bàn tỉnh đã có 407 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.014.522 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 14 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 37.977 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 151 dự án, số vốn đăng ký là 2.682.797 nghìn USD, chiếm 66,83% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 120 dự án, với số vốn đăng ký là 624.578 nghìn USD, chiếm 15,56% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 81 dự án, số vốn đăng ký 344.456 nghìn USD, chiếm 8,58% tổng số vốn đăng ký.
    5. Hoạt động tài chính, tiền tệ
    a. Thu ngân sách nhà nước

    Thu ngân sách tháng Năm ước đạt 1.118.402 triệu đồng, tăng 38,13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 814.454 triệu đồng, tăng 36,40%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 303.948 triệu đồng, tăng 42,99%.         Một số khoản thu nội địa trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 16.650 triệu đồng, tăng 26,86%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 104.225 triệu đồng, tăng 50,41%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 329.453 triệu đồng, tăng 77,38%; thu lệ phí trước bạ 25.591 triệu đồng, tăng 39,93%; thuế thu nhập cá nhân 53.527 triệu đồng, tăng 36,66%; thuế bảo vệ môi trường 25.862 triệu đồng, tăng 6,84%; thu phí và lệ phí 4.024 triệu đồng, giảm 36,29%; các khoản thu về nhà đất 241.482 triệu đồng, tăng 4,29%...
    Tính chung năm tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.826.217 triệu đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 3.550.000 triệu đồng, tăng 15,50%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.276.217 triệu đồng, giảm 3,90%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 82.000 triệu đồng, giảm 17,79%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 720.000 triệu đồng, tăng 35,50%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.200.000 triệu đồng, giảm 10,10%; thu lệ phí trước bạ 114.000 triệu đồng, tăng 7,90%; thuế thu nhập cá nhân 345.000 triệu đồng, tăng 12,80%; các khoản thu về nhà đất 848.500 triệu đồng, tăng 69,51%...
    b. Chi ngân sách nhà nước
    Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 18/5/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 3.184.879 triệu đồng, đạt 36,52% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.185.380 triệu đồng, đạt 44,68%; chi thường xuyên 1.999.499 triệu đồng, đạt 32,95%. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 182.995 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 772.718 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 158.742 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 36.122 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 161.583 triệu đồng; chi quản lý hành chính 489.015 triệu đồng, chi khác 180.656 triệu đồng.
    c. Hoạt động ngân hàng
    Tính đến 30/4/2018, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 68.715.744 triệu đồng, tăng 6,52% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 59.214.897 triệu đồng, tăng 5,71% và chiếm 86,17% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 51.225.872 triệu đồng, tăng 2,17% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 34.744.177 triệu đồng, tăng 1,21%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.481.695 triệu đồng, tăng 4,25%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 48.600.063 triệu đồng, tăng 1,90%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.625.809 triệu đồng, tăng 7,51%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 863.233 triệu đồng (chiếm 1,69% tổng dư nợ), tăng 19,0% so với thời điểm 31/12/2017.
    6. Thương mại, dịch vụ
    Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Năm ước đạt 2.521.858 triệu đồng, tăng 10,53% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.029.825 triệu đồng, tăng 10,34%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 138.402 triệu đồng, tăng 8,54%; doanh thu du lịch 500 triệu đồng, tăng 14,68%; doanh thu dịch vụ khác 353.131 triệu đồng, tăng 12,39%. Tính chung năm tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 12.489.092 triệu đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2017.
    Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm tháng đầu năm ước đạt 10.112.422 triệu đồng, chiếm 80,97% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,53% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,35%; hàng may mặc tăng 16,52%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 20,07%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,66%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,82%; ô tô các loại giảm 65,43%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 4,46%; xăng, dầu các loại tăng 21,85%; đá quý, kim loại quý tăng 32,15%...
    Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành năm tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 673.357 triệu đồng, chiếm 5,39% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 27.607 triệu đồng, tăng 5,03%; dịch vụ ăn uống 643.242 triệu đồng, tăng 7,80%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 2.508 triệu đồng, tăng 16,33%.
    Doanh thu dịch vụ khác năm tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.703.313 triệu đồng, chiếm 13,64% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,07% so với cùng kỳ năm 2017.
    7. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
    Chỉ số giá tiêu dùng
    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm tăng 0,66% so với tháng trước. Trong đó: Có 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,20%; hàng may mặc, mũ, nón, giầy, dép tăng 0,69%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; dịch vụ giao thông tăng 1,79%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,23%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,30%. Riêng nhóm hàng hoá, dịch vụ: bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục ổn định so với tháng trước.
    So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm nay tăng 1,79%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,31%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,18%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; dịch vụ giao thông tăng 5,52%; bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,21%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,06%; riêng dịch vụ giáo dục ổn định so với tháng 12/2017.
    So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm nay tăng 5,39%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,63%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,88%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,17%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,71%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,97%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,30%; dịch vụ giao thông tăng 10,08%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; giáo dục tăng 3,63%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,86%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,02%.
    Bình quân chung năm tháng đầu năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,74%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,65%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,32%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 39,79%; dịch vụ giao thông tăng 6,81%; bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; dịch vụ giáo dục tăng 3,73%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,83%.
    Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
    Chỉ số giá vàng tháng Năm giảm 0,78% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.667.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,07% so với tháng trước, mức giá bình quân 22.812 đồng/USD.
    8. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông
    a. Vận tải hành khách

    Vận tải hành khách tháng Năm ước đạt 1.123 nghìn lượt người vận chuyển và 69.094 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 8,55% về lượt người vận chuyển và tăng 6,18% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 51.085 triệu đồng, tăng 10,08%. Tính chung năm tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 5.673 nghìn lượt người vận chuyển và 347.733 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 10,39% về lượt người vận chuyển và tăng 9,32% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 257.916 triệu đồng, tăng 10,94%.
      b. Vận tải hàng hóa
     Vận tải hàng hoá tháng Năm ước đạt 2.447 nghìn tấn vận chuyển và 86.575 nghìn tấn luân chuyển, tăng 9,96% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 8,88% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 192.912 triệu đồng, tăng 11,19%. Tính chung năm tháng đầu năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 11.470 nghìn tấn vận chuyển và 411.769 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,13% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,79% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 928.603 triệu đồng, tăng 11,52%.
    c. Bưu chính, viễn thông
    Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng Năm ước tính tăng 2.600 thuê bao, trong đó thuê bao cố định tăng 100 thuê bao; thuê bao di động trả sau tăng 2.500 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối kỳ ước đạt 128.597 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 25.817 thuê bao, thuê bao di động trả sau 102.780 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước tăng 4.080 thuê bao. Tổng số thuê bao internet hiện có ước đạt 137.173 thuê bao.
    9. Một số hoạt động văn hóa, xã hội
    a. Hoạt động văn hóa, thể thao

    Hoạt động văn hóa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018) và 132 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tham gia Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc lần 2 và Liên hoan Ẩm thực Quốc tế tổ chức tại Huế.
Sáng ngày 27/4, tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ) đã diễn ra Lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia “Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”.
    Nhân dịp kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2018), Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề “64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Hoạt động thể thao: Ngày 24/4/2018, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, câu lạc bộ Bóng đá Phố Hiến chính thức ra mắt. Câu lạc bộ Bóng đá Phố Hiến hoạt động theo quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, đăng ký thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Quản lý câu lạc bộ là Công ty Cổ phần Bóng đá Phố Hiến.
Đối với thể thao thành tích cao, tỉnh đã tham gia thi đấu 5 giải thể thao quốc gia là: Cử tạ, Wushu, Boxing, Đua thuyền (Rowing, Canoeing), Bóng chuyền nữ, đạt 12 huy chương các loại, trong đó 5 huy chương bạc, 7 huy chương đồng.
    b. Hoạt động Y tế
    Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh nào xảy ra. Bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
    c. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
    Từ ngày 16/4/2018 đến ngày 15/5/2018, toàn tỉnh đã phát hiện 17 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 16 vụ, 1 vụ đang xác minh làm rõ, số tiền xử phạt 781 triệu đồng. Tính từ 16/12/2017 đến 15/5/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 57 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 47 vụ, xử phạt 2.316 triệu đồng.
Từ ngày16/4/2018 đến 15/5/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy kho chứa phế liệu, không có vụ nổ, không có người bị chết, bị thương do cháy, thiệt hại tài sản ước tính 500 triệu đồng, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tính từ 16/12/2017 đến 15/5/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 1 người bị chết, thiệt hại tài sản ước tính 620,50 triệu đồng.
    d. Trật tự an toàn giao thông
    Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/4/2018 đến 15/5/2018, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, không có vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 10 người, làm bị thương 12 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 6,25%; số người chết giảm 4 người, giảm 28,57%; số người bị thương tăng 4 người, tăng 50,0%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, làm chết 50 người, làm bị thương 53 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn giảm 2 người, giảm 2,86%; số người chết giảm 2 người, giảm 3,85%; số người bị thương giảm 1 người, giảm 1,85%./.

Tin liên quan

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Hai và hai tháng đầu năm 2024(12/03/2024 1:39 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Một năm 2024(02/02/2024 7:14 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 9 và 9 tháng năm 2023(03/10/2023 1:21 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2023(29/05/2023 7:00 SA)

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 10 và 10 tháng năm 2022(31/10/2022 7:37 SA)

Tin mới nhất

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Hai và hai tháng đầu năm 2024(12/03/2024 1:39 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Một năm 2024(02/02/2024 7:14 SA)

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 10 và 10 tháng năm 2023(02/11/2023 7:32 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 9 và 9 tháng năm 2023(03/10/2023 1:21 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Bảy và bảy tháng năm 2023(02/08/2023 2:49 CH)

°
170 người đang online