Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Đăng ngày 15 - 06 - 2018
Lượt xem:
100%

Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 14/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương và 48 điều. Tại thảo luận, có 21 đại biểu đã phát biểu và 8 đại biểu phát biểu tranh luận. Quốc hội đã được nghe Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban soạn thảo phát biểu một số ý kiến tiếp thu và giải trình một số các nội dung.

Các ý kiến phát biểu thảo luận cơ bản tán thành với sự cần thiết đối với Luật Công an nhân dân, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Bộ Công an trong việc sắp xếp tinh giản bộ máy trong thời gian vừa qua.

Theo một số đại biểu, việc xây dựng dự luật có nhiều thuận lợi, ví dụ đã có Nghị quyết 2 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương khóa XII kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên còn phải tiếp tục xem xét, nghiên cứu, bởi thực tế Luật Công an nhân dân mới có hiệu lực thi hành được gần 3 năm, nhiều quy định mới đang tiếp tục triển khai. Đây là dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy, quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và liên quan đến hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các quy định của dự luật phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần phải tiếp tục phân tích, làm rõ việc sửa đổi Luật Công an nhân dân với những phạm vi, nội dung, điều chỉnh thì có cần thiết phải sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ hay không để bảo đảm tính cân đối, thống nhất giữa các lực lượng vũ trang.

Nhấn mạnh việc chính quy công an xã, thị trấn, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng việc xác định thế nào là chính quy thì cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đây là vấn đề mới, có sự thay đổi căn bản so với pháp luật hiện hành.

Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan công an nhân dân, đây là nội dung trọng tâm của dự án luật, thu hút nhiều ý kiến của đại biểu, tuy nhiên về quan điểm này các ý kiến cũng còn có sự khác nhau. Về mặt nguyên tắc quy định về vấn đề cấp bậc quân hàm cũng phải thuân thủ theo quy định của Hiến pháp, đó là chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quy định về cấp hàm trong lực lượng vũ trang. Đồng thời cần quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết 22 cũng như ý kiến của Bộ Chính trị trước đây tại Thông báo 147/2013, tức là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng yêu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong cấp tướng. Thông báo 185/2014 về số lượng, vị trí cấp hàm tướng trong công an nhân dân là không quá 205 người. Đến thời điểm này các thông báo này vẫn còn nguyên giá trị.

Dự thảo luật áp dụng tiêu chí định tính Cục đặc biệt và tương đương để xác định cục trưởng có trần quân hàm trung tướng và tiêu chí phân loại đơn vị hành chính loại 1 để xác định quân hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an một số tỉnh, thành phố. Dự thảo không quy định số lượng cấp phó của các chức vụ cơ bản có quân hàm tướng. Nhiều ý kiến đã phát biểu về tính tương quan, tương ứng giữa hai lực lượng quân đội và công an, nhất là về cấp bậc quân hàm ở địa phương. Đây là những vấn đề đã từng được thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau.

Về giải thích một số khái niệm, từ ngữ và phân loại cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân, về thẩm quyền của Thủ tướng bổ nhiệm cục trưởng Cục đặc biệt, về việc thành lập các đồn, trạm công an, phân tích làm rõ nội dung về công nghiệp an ninh, về tuổi nghỉ hưu, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân, về trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành đối với công an nhân dân... Các đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục được rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để hoàn thiện thêm, đảm bảo tính khả thi, thống nhất.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ, sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy định.

Tin liên quan

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov(20/03/2024 6:45 SA)

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư ở Việt Nam(20/03/2024 6:44 SA)

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng(14/03/2024 7:18 SA)

Tin mới nhất

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov(20/03/2024 6:45 SA)

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư ở Việt Nam(20/03/2024 6:44 SA)

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng(14/03/2024 7:18 SA)

°
32 người đang online